Ninh Bình: Trải nghiệm kết nối với thiên nhiên và văn hóa dân tộc Mường

Cập nhật: 16/08/2024
Bên cạnh lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) còn là nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Nhận thấy tiềm năng trong phát triển du lịch, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà và một số thành viên của Chi hội Lữ hành tỉnh Ninh Bình đã lên ý tưởng, xây dựng, đưa vào vận hành sản phẩm "Mường tour - động Thiên Hà", nhằm lưu giữ và quảng bá nét đẹp về văn hóa độc đáo, đồng thời nhân lên niềm tự hào, tình yêu và ý thức gìn giữ văn hóa của cộng đồng người Mường ở địa phương.

Du khách trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, đậm chất văn hóa Mường khi tham gia "Mường tour - động Thiên Hà". Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Động Thiên Hà nằm phía Đông xã Sơn Hà, huyện Nho Quan. Ẩn mình trong dãy núi Tưởng với độ cao gần 200 m so với mặt nước biển, hang động này được người dân nơi đây ưu ái đánh giá là hang động đẹp nhất trong quần thể di sản Tràng An. Đây cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống và vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống, sản xuất. Vì vậy, đầu năm 2024, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà và một số thành viên của Chi hội Lữ hành tỉnh Ninh Bình đã đưa vào vận hành sản phẩm "Mường tour - động Thiên Hà" là nơi để đồng bào dân tộc Mường tổ chức các hoạt động văn hóa, quảng bá nét đẹp của cộng đồng với du khách.

Ngay từ khi đưa vào vận hành, "Mường tour - động Thiên Hà"; đã vận động đồng bào Mường, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan xuống bản Thổ Hà, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, thành lập đội văn nghệ diễn tập hằng ngày, tái hiện những sinh hoạt đời thường tại các nhà sàn. Du khách được thưởng thức các món ăn của người dân tộc Mường cùng với tiếng cồng chiêng vang vọng, những điệu múa uyển chuyển, những lời ca tiếng hát, mùi rượu cần thơm ngọt... tạo nên bản sắc văn hóa riêng đặc trưng, độc đáo, phong phú, thu hút.

Biểu diễn văn hóa đậm chất dân tộc Mường phục vụ du khách. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Ông Hà Huy Lợi, đại diện Khu du lịch sinh thái động Thiên Hà cho biết, trước đây, cũng đã có nhiều du khách đến động Thiên Hà nhưng mới chỉ dừng lại ở việc ngắm cảnh thiên nhiên. Từ khi sản phẩm "Mường tour - động Thiên Hà" được vận hành, lượng du khách trong nước và quốc tế đến với bản Thổ Hà ngày càng nhiều. Đặc biệt, tuyến du lịch này cũng thu hút lượng du khách quốc tế nhiều hơn vì họ yêu sự thanh bình làng quê, nét mộc mạc và hiếu khách của người Việt Nam, sự đa dạng của truyền thống văn hóa Việt.

Chị Phạm Thị Thủy, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, thành phố Ninh Bình chia sẻ: "Chỉ cách thành phố Ninh Bình hơn 10 km, khu du lịch có thiên nhiên tuyệt đẹp, không gian văn hóa đặc sắc, đậm chất văn hóa Mường. Tuyến du lịch này giúp gia đình tôi không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên Ninh Bình, mà còn được khám phá nét đẹp văn hóa người dân tộc Mường như những ngôi nhà sàn nguyên bản, biểu diễn văn nghệ, múa sạp, đánh mảng, chơi cù, đi cà kheo. Chúng tôi cũng được thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường gồm thịt lợn rừng, măng đắng, bánh truyền thống... Đây là những trải nghiệm thú vị".

Du khách được hướng dẫn làm các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Ông Hoàng Bình Minh, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Chi hội thu thập các tài liệu, dữ liệu văn hóa và các sản phẩm của người Mường; đồng thời cùng người dân xây dựng, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo đúng hiện thực, nguyên vẹn, qua đó khai thác sâu vào du lịch di sản, khảo cổ của động Thiên Hà. Trong không gian văn hóa đó, du khách được trải nghiệm, kết nối với thiên nhiên, hòa quyện văn hóa Mường đầy màu sắc và phong phú. Thời gian tới, "Mường tour - động Thiên Hà" sẽ tiếp tục khai thác các hoạt động văn hóa này, góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa người Mường và văn hóa Cố đô.

Là huyện miền núi, nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình, nơi hội tụ của hàng chục dân tộc với số dân trên 174 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 17%, Nho Quan được nhắc đến như là "miền đất cổ", được bồi tụ bởi nhiều lớp trầm tích văn hóa với những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của con người cách đây hơn 7.500 năm. Huyện cũng là cái nôi của phong trào cách mạng và sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa đặc sắc.

Du khách trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, đậm chất văn hóa Mường khi tham gia "Mường tour - động Thiên Hà". Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Những năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Nho Quan luôn quan tâm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhất là bản sắc của đồng bào dân tộc Mường.

Huyện đã có cơ chế hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch như: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể và tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Trong các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ này, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu hơn vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc trưng và khuyến khích các địa phương tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, không chỉ trong dịp lễ, Tết mà còn trong những ngày kỷ niệm, buổi sinh hoạt văn hóa tại thôn, bản.

Du khách trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp khi tham gia "Mường tour - động Thiên Hà". Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Cùng với các giá trị văn hóa độc đáo, các hoạt động du lịch tại địa phương đã dần thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hải Yến

Nguồn: Báo Dân tộc miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 15/08/2024