“Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay.… Mỗi năm, mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng, theo đà này 20 năm nữa san hô không còn trong vùng biển Việt Nam”, TSKH. Nguyễn Tác An, Viện trưởng Viện Hải dương học Việt Nam từng cảnh báo.
Những rạn san hô được ví như rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển đang biến mất từng ngày!
Trước đây, con người không bao giờ hại đến san hô nhưng nay nhu cầu xây đá mỹ nghệ, hòn non bộ, trang trí nhà cửa ngày càng lớn nên tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán san hô ở các địa phương trên đang diễn ra rất phức tạp. Người ta không chỉ bẻ san hô mà đặt mìn. Từng mảng san hô tan ra, nát gãy, hốt lên ghe chở về nấu vôi.
Chưa bao giờ nguồn san hô nước ta lại đứng trước thách thức sống còn như hiện nay. Những rạn san hô mất đi, đồng nghĩa với sự cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản. San hô đang bị tận diệt bằng thủ công và bằng mìn thì rạn nào cũng tan tành. Biển miền Trung ngày nào cũng có ngư dân đi lấy san hô. Từng ngày biển mất san hô, tiếc vô cùng!
Và một nghịch lý đang xảy ra. Đó là trong khi các nhà khoa học của Viện Hải dương học ngày đêm nghiên cứu vai trò của san hô với sinh thái biển, trằn trọc tìm cách bảo vệ thì ở TP. Nha Trang, Khánh Hòa lại bày bán la liệt san hô. San hô cũng được bày bán khắp các trung tâm du lịch biển từ Đà Nẵng vào Bình Thuận.
Ở Đà Nẵng, tình trạng khai thác san hô làm hòn non bộ diễn ra thời gian khá dài. Việc đánh bắt hải sản, neo đậu tàu thuyền ở khu vực nhiều san hô là chuyện thường ngày, ít bị ngăn cản. Đó là chưa kể du khách lặn biển chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của đáy biển, vô tư bẻ cành san hô đưa về làm quà.
Các công trình xây dựng gần biển san lấp đổ đất đá, xả nước thải xuống tầng san hô làm hệ sinh thái biển khu vực này ô nhiễm nặng. Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản, ít nhất 5ha san hô quanh bán đảo Sơn Trà, nhất là khu vực Bãi Bụt, Bãi Nam bị trầm tích gây chết. Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy hải sản tự phát ở vùng biển gần bờ cũng tác động xấu đến các rạn san hô và hệ sinh thái liên quan khu vực gần bờ.
Còn phải kể đến bờ Đông Nam của đảo Cồn Cỏ từng bị các đối tượng lặn xuống và dùng cưa để khai thác san hô đen, bán sang Trung Quốc với giá không dưới 2 triệu đồng/kg. Làm ảnh hưởng đến sự hình thành tự nhiên của dải san hô, đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nguy hại hơn, các đối tượng còn sử dụng bộc phá, thuốc nổ để đánh bắt cá ở vùng biển này làm cho dải san hô bị vỡ và chết khá nhiều. Theo Viện Nghiên cứu Bộ Thủy sản, dải san hô bờ Đông Nam của đảo Cồn Cỏ chỉ còn 40% sự đa dạng so với trước và không còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như ban đầu vốn có của nó.
Trước thực trạng khai thác trái phép rạn san hô dẫn tới nguy cơ huỷ diệt đa dạng sinh thái biển, UBND TP. Đà Nẵng vừa quyết định khoanh vùng bảo vệ, cấm đánh bắt hải sản, khai thác san hô khu vực biển thuộc bán đảo Sơn Trà, trong đó vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) 82ha thuộc khu vực Hòn Sụp, Bãi Bụt, Hục Lỡ, Vũng Đá và Đông Bãi Bắc từ bờ ra 300 mét ở độ sâu trung bình 12 mét.
Cần nói thêm rằng qua khảo sát mới nhất do Công ty Coral Reef Center thực hiện tại 4,5ha ở vùng biển Mũi Nghê (Sơn Trà), tiềm năng san hô vẫn rất phong phú với 42 loài màu sắc sặc sỡ hơn cả khu vực Hòn Mun của vịnh Nha Trang, thích hợp cho các tour du lịch lặn biển. Hiện ngành du lịch đã triển khai tour du lịch lặn biển ngắm san hô ở khu vực này.
Quyết định của UBND TP. Đà Nẵng tuy muộn vẫn còn kịp, bởi chúng ta muốn biển và đại dương sống chứ không phải chết. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền trong cộng đồng dân cư ven biển và khách du lịch về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên quý báu này. Từ năm 2010 trở đi, ngoài việc bảo vệ nghiêm ngặt các rạn san hô, Đà Nẵng sẽ triển khai việc phục hồi hệ sinh thái gần bờ, bảo đảm đa dạng sinh học và làm giàu nguồn lợi thủy sản tự nhiên, phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái biển.