Một số thách thức và giải pháp trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng quê

Cập nhật: 02/11/2009
1. Du lịch cộng đồng có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhiều người cho rằng phát triển du lịch cộng đồng có nghĩa là huy động cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch tham gia làm du lịch với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững.

Mặt khác, phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân tại điểm du lịch thông qua làm các dịch vụ phục vụ khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, các món ăn, đồ uống  đặc sản của địa phương..v.v.

Điểm đến du lịch có ở phường, quận (thành phố), thôn, xã, huyện (địa bàn nông thôn), cộng đồng dân cư ở những địa bàn khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Đối với điểm đến du lịch tại địa bàn nông thôn cũng có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau trên phương diện phát triển du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch làng quê, du lịch làng nghề, du lịch xoá đói giảm nghèo..v.v. Trong bài này, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng quê những cơ hội và thách thức.

2. Việt Nam là một nước nông nghiệp với gần 70% dân số sống ở nông thôn và chủ yếu làm nghề nông-ngư-lâm nghiệp. Cộng đồng dân cư  chủ yếu sống ở làng[1] và làm việc trên cánh đồng, cánh rừng, đồi, bãi biển và mặt biển. Có thể nói, nơi sinh sống của cộng đồng dân cư ở đây rất giàu tài nguyên du lịch không chỉ về tự nhiên mà cả về nhân văn, nhưng phần lớn người dân ở đây vẫn nằm trong diện nghèo và diện đói.

Trong những năm qua, cùng với chủ trương xoá đói, giảm nghèo của Đảng và Chính phủ ngành du lịch tập trung nghiên cứu và tổ chức thực hiện các loại hình du lịch cho cộng đồng ở nông thôn. Đó là các loại hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch làng cổ..v.v. Nhiều  khu du lịch (resorsts) và các sân golf đã được xây dựng ở vùng núi và vùng nông thôn, vùng ven biển. Các điểm đến du lịch này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển du lịch của đất nước trong những năm qua. Nhiều điểm đến du lịch đã nổi tiếng đối với khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đó là Bản Lác (Mai Châu, Hoà Bình), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Bản Đôn (Đắc Lắc), du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long..v.v. Có thể nói, những địa điểm này phát triển du lịch cộng đồng đã giải quyết rất nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội như: tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tạo ra thu nhập cho người dân, khôi phục các nghề thủ công truyền thống làm ra các sản phẩm lưu niệm bán cho khách. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ, hải sản, tăng cường trồng trọt chuyên canh để tạo ra nhiều rau, củ, quả, hoa,..v.v phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, những mô hình phát triển du lịch cộng đồng đạt hiệu quả như trên chưa nhiều và còn nhiều khó khăn và trở ngại.

3. Khó khăn đầu tiên của việc phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn đồng bằng, miền núi và vùng biển đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc). Đây là khó khăn chung của đất nước, đặc biệt ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Một trong những điều kiện quyết định để phát triển du lịch và khai thác các tài nguyên du lịch đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật mà đầu tiên là hệ thống giao thông vận chuyển khách du lịch[2]. ở những nơi có điều kiện hạ tầng tốt, nhiều doanh nghiệp du lịch ở trong nước và nước ngoài xây dựng những khu du lịch và những sân golf với diện tích rất lớn. Người dân ở những nơi này bị mất đất sản xuất, do nhiều nguyên nhân việc tạo ra công ăn, việc làm cho cộng đồng rất hạn chế nên đã xẩy ra các bức xúc về vấn đề xã hội. Phát triển du lịch cộng đồng tại làng gặp khó khăn về quy hoạch phát triển. Để đón khách du lịch cần phải có nơi đón tiếp, nơi đỗ xe, nơi nghỉ trọ, nơi ăn, uống, nơi tham quan, nơi mua sắm hàng lưu niệm, nơi vệ sinh..v.v. Để đảm bảo những điều kiện trên, cần có quy hoạch nơi giãn dân, nơi sản xuất và nuôi trồng cây, con phục vụ cho sự phát triển du lịch. Thực tế đã chứng minh, chúng ta phát triển du lịch cộng đồng một cách tự phát, chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển cụ thể. Nhiều làng, bản phát triển du lịch chưa có quy hoạch nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ: để gìn giữ những ngôi nhà cổ làm điểm tham quan cho khách cần phải có đất để giãn dân, cần có các khu dịch vụ phục vụ khách du lịch. Quy hoạch đất không chỉ cho cơ sở dịch vụ mà cả các khu vệ sinh cho khách. Vì không có quy hoạch chi tiết nên các làng phát triển du lịch thường bị ô nhiễm môi trường tự nhiên, khách du lịch cảm thấy mất vệ sinh. Nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng về vấn đề này vẫn còn hạn chế, điều này đòi hỏi các chuyên gia về du lịch phải tư vấn thông qua các hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của địa phương và cộng đồng.

Một vấn đề khác được mọi người quan tâm là đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại cộng đồng. Đây là một vấn đề lớn, nhưng theo chúng tôi nó phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương theo mục tiêu và định hướng phát triển du lịch.

Thị trường khách du lịch đến tham quan điểm du lịch là một vấn đề cốt lõi cho việc hình thành các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Trên nguyên tắc của thị trường là "chúng ta bán những gì thị trường cần, chứ không phải bán những gì chúng ta có". Dự báo thị trường khách đến tham quan du lịch là ai, khách du lịch nội địa hay quốc tế. Nếu là khách du lịch quốc tế thì ở những nước nào, đặc điểm tâm lý xã hội của họ ra sao? sở thích và thói quen tiêu dùng của họ là gì? phong tục tập quán, nếp sống của họ như thế nào?..v.v. Những câu hỏi này không chỉ giúp cho các nhà tư vấn thiết kế các sản phẩm du lịch mà còn là cơ sở để đào tạo và bồi dưỡng cho cộng đồng làm du lịch. Trên cơ sở đó, tiến hành phân loại các đối tượng trong cộng đồng trong việc phân công công việc và bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn. Ví dụ, người hướng dẫn khách đến tham quan phải có kiến thức về lịch sử, văn hoá và đặc tính địa phương của con người tại điểm đến, phải biết ngoại ngữ của đối tượng khách đến tham quan, phải có kỹ năng giao tiếp cơ bản theo phong tục, tập quán và đặc điểm tâm lý xã hội của khách. Hoặc về phục vụ các món ăn, đồ uống không phải là dạy phục vụ một cách chung chung mà phải cụ thể theo thị trường. Khách châu Âu, châu Mỹ cần phục vụ thành xuất riêng và có thìa rĩa nhưng khách châu Á, khu vực ăn bằng đũa thì phục vụ ăn chung theo mâm..v.v. Điều quan trọng người phục vụ phải có kỹ năng giao tiếp, phải sạch sẽ và vệ sinh còn cách phục vụ sẽ được hướng dẫn cụ thể trong từng cơ sở. Thực tế, vấn đề bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát triển du lịch tại địa phương chưa được triển khai đồng bộ và cụ thể. Chính vì vậy mà xẩy ra các hiện tượng như chất lượng phục vụ khách tại điểm du lịch cộng đồng không đảm bảo như: vệ sinh môi trường xung quanh, môi trường vệ sinh của các cơ sở phục vụ khách, hiện tượng bán hàng rong, đeo bám khách..v.v.

Tất cả những thách thức và hạn chế trên đã làm cho các điểm du lịch cộng đồng chưa được nổi tiếng, chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch trong nước và nước ngoài, đồng thời chưa khai thác hết tài nguyên du lịch tại điểm đến, góp phần xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

4. Hiện nay, nói đến du lịch, mọi người đều cảm nhận tài nguyên du lịch của địa phương mình vô cùng phong phú và đa dạng, đồng thời mong muốn khai thác các tài nguyên này nhằm phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các vấn đề của nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Nhưng tài nguyên du lịch khác với tài nguyên của các ngành khác như nước, khoáng sản..v.v. Để khai thác tài nguyên này đòi hỏi phải có những điều kiện khách quan và chủ quan nhất định, trong đó tư duy sáng tạo của con người và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò quyết định. Không phải tất cả các tài nguyên này đều được khai thác phục vụ sự phát triển du lịch, mà chỉ có những tài nguyên có sức hút đối với khách du lịch và có điều kiện khách quan và chủ quan cho việc khai thác mới có thể khai thác được. Theo quan điểm của chúng tôi, một số giải pháp cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng  quê để đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội cao, đó là:

+ Cần xây dựng những tiêu chí để phân loại và lựa chọn các địa phương có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời có chiến lược và lộ trình đầu tư phát triển các điểm du lịch này. Trong điều kiện hiện nay, khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước còn nhiều bất cập, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp cần phải tính toán để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

+ Khi điểm cộng đồng được lựa chọn là điểm du lịch, cần phải quy hoạch chi tiết phát triển theo định hướng thị trường lâu dài, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Quy hoạch này phải được sự tham gia đóng góp không chỉ của các chuyên gia về các lĩnh vực mà phải được sự tham gia và đồng thuận của cộng đồng dân cư địa phương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.

+ Điều đặc biệt quan trọng, phải xây dựng cơ chế phân chia lợi ích trong việc phát triển du lịch cộng đồng giữa cộng đồng dân cư địa phương, chính quyền các cấp và doanh nghiệp trên nguyên tắc các bên cùng có lợi trong sự nghiệp phát triển du lịch bền vững.

Giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ngành du lịch với lợi thế là một “ngành xuất khẩu tại chỗ”, một ngành tạo ra nhiều việc làm cho xã hội sẽ góp phần vào thực hiện những chủ trương trên bằng việc vượt qua các thách thức thông qua tính sáng tạo của con người để phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng.


 

[1] Làng là khái niệm chung bao gồm: Vùng núi gọi là bản, buôn; vùng trung du, đồng bằng và ven biển gọi là làng

[2] Theo  các nhà nghiên cứu du lịch, để phát triển du lịch và khai thác các tài nguyên du lịch tại một điểm du lịch có hiệu quả thì ít nhất phải có ba trên năm loại phương tiện vận chuyển khách (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ, đường biển) tới điểm này.

 

Nguồn: TS. Trịnh Xuân Dũng - Tổng cục Du lịch