Trong những năm qua, nhiều dự án, chương trình tiết kiệm năng lượng được triển khai và đã thành công. Song, giới chuyên môn cho rằng, việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm nhất vẫn là tự bản thân các doanh nghiệp.
Hiện, có rất nhiều tòa nhà đã và đang tham gia vào công việc này, trong đó có một số sạn lớn tại TP.HCM.
Điều đó chứng tỏ nhận thức của chủ đầu tư đã được nâng cao, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất là ở khâu tư vấn, thiết kế xây dựng…
Đầu tư một lần, vận hành hợp lý
Theo ước tính, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 50 tỷ kWh điện. Do đó, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là một bài toán đặt ra cho toàn xã hội.
Khách sạn Majestic tại thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những tòa nhà thực hiện rất tốt việc tiết kiệm năng lượng. Được xây dựng năm 1925, đây là một trong những khách sạn cổ của Việt Nam. Và, đương nhiên, thiết bị vận hành của nó cũng xuống cấp và được cải tạo dần theo năm tháng.
Cách đây đúng 10 năm, Majestic bắt đầu “công cuộc” thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng triệt để. Đầu tiên, Majestic thay thế 4.000 đèn compact tiết kiệm điện trên tổng số 4.400 bóng đèn dây tóc, thay thế máy lạnh cục bộ hiệu suất cao, lắp hệ thống nước nóng mặt trời với công suất 13.000 lít/ngày, tận dụng công suất dư hệ thống nước nóng của lò hơi sử dụng cho 36 phòng khách thay cho bình nước nóng điện…
Không chỉ đầu tư, cải tiến trang thiết bị, khách sạn này còn ban hành quy định hướng dẫn vận hành sử dụng tắt mở các thiết bị điện hợp lý. Nhà giặt được vận hành vào giờ thấp điểm, lắp bộ đóng cửa tự động để giảm tổn thất nhiệt lạnh ra ngoài.
Bà Võ Thị Dương Thùy, đại diện của Majestic nói rằng, việc tiết giảm trên đã giúp Majestic tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng/năm. Không những thế, Majestic còn được tặng thưởng nhiều bằng khen về khách sạn xanh Asean, giải nhất “Tòa nhà hiệu quả năng lượng tại Việt Nam 2008”…
Tham gia chiến dịch Giờ trái đất, hiện, Majestic tiếp tục thực hiện chương trình này vào tối thứ 7 tuần cuối cùng của mỗi tháng. Theo đó, toàn bộ khách sạn lại sử dụng nến trong 1 tiếng để hưởng ứng chiến dịch.
Ở khách sạn Moevenpick Sài Gòn, do khách yêu cầu để phòng mát khi ra ngoài, và thông thường nhiệt độ khi đó là 21oC. Các kỹ sư ở đây đã mua phần mềm Benalla để tự động tăng nhiệt độ lên 25oC sau khi khách ra ngoài 5 phút và trả về trạng thái ban đầu khi khách về phòng.
Đối với tòa nhà xây mới, ông Nguyễn Văn Chính, Kỹ sư trưởng của khách sạn Sheraton Hà Nội nói rằng, khi mới xây dựng tòa nhà, việc đầu tư ngay một giải pháp đồng bộ để tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng. Bởi, khi đầu tư một lần, nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho chính doanh nghiệp và xã hội.
Yếu ở khâu tư vấn
Lợi ích cho doanh nghiệp trong việc giảm chi phí, lợi ích cho xã hội đã rõ, song vì nhiều lý do nên không phải tòa nhà nào ở Việt Nam cũng tiết kiệm chi phí cho chính mình.
Thẳng thắn, ông Chính cho rằng hạn chế ngay từ việc các kỹ sư trưởng ở nhiều khách sạn, tòa nhà không có nhiều kiến thức về tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn e ngại khi quyết định mua sắm thiết bị cho lĩnh vực này.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng ở tòa nhà mới làm tốt hơn các tòa nhà đã cũ.
Ông Tước đưa ra ví dụ lắp một hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời, ở tòa nhà mới thì thiết kế mới và dễ dàng. Song, ở tòa nhà cũ, hệ thống nước đã có sẵn nên khó phá ra làm mới. Do đó, ở tòa nhà cũ thường cải tiến chứ không thay mới triệt để được.
Nhận xét, ông cho rằng nhiều tòa nhà mới hiện nay áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng ngay từ đầu. Các chủ đầu tư đã có nhận thức đúng đắn hơn khi quyết định “dốc hầu bao” mạnh hơn để tiết kiệm về lâu dài.
Thậm chí, khái niệm "tòa nhà thông minh" với những ứng dụng công nghệ hiện đại vào bậc nhất trên thế giới hiện nay cũng đã được một số chủ đầu tư mạnh dạn áp dụng như toà nhà Bộ Tài chính, Tháp BIDV...
Song, vẫn còn đó một số rào cản đốn với công trình mới khi chi phí đầu tư tiết kiệm năng lượng là tốn kém hơn so với thông thường. Ông Tước nói đội ngũ tư vấn, thiết kế xây dựng thường chiều ý nhà đầu tư, thiết kế không áp dụng công nghệ tiết kiệm để đưa ra giá rẻ nhằm được chủ đầu tư chấp thuận.
Ngoài ra, có một thực tế đáng buồn là nhiều công ty tư vấn, thiết kế xây dựng chưa có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm lựa chọn công nghệ, thiết bị, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng. Từ đó, chưa biết tư vấn cho chủ đầu tư chọn lựa giải pháp tối ưu cho túi tiền của mình trong tương lai.
“Việc thực hiện tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà lớn thường triệt để hơn, với nhà tư vấn nước ngoài hoặc công ty tư vấn có uy tín,” ông Tước nói.
Để khắc phục, ông nhấn mạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội. Ngoài ra, cần đưa vấn đề tiết kiệm năng lượng vào giảng dạy tại các trường đại học, để các sinh viên theo ngành tư vấn xây dựng, kiến trúc nắm bắt, từ đó vận dụng vào công việc sau này.