Dài 82km, dải ven biển Nghệ An đang chịu nhiều thiệt hại do xói mòn. Đề tài “Điều tra, đánh giá sự thay đổi diện tích rừng phòng hộ và rừng ngập mặn ảnh hưởng đến xói lở và biến đổi khí hậu các huyện ven biển tỉnh Nghệ An” do ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng phòng Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An làm chủ nhiệm, vừa hoàn tất; là nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ giữa cây rừng và xói lở bờ tại địa phương.
Theo kết quả nghiên cứu, vùng ven biển Nghệ An nằm trong địa giới hành chính 45 xã thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị trấn Cửa Lò và thành phố Vinh. Tổng diện tích đất rừng ven biển là 7.241ha (trên tổng số 29.240,6ha vùng ven biển); nhưng mới chỉ có 1.738ha đất có rừng. Trong đó có 569,9ha rừng ngập mặn chủ yếu ở các cửa Hội (sông Cả), Cửa Vạn (sông Bùng), cửa Lạch Quèn, Lạch Cờn (sông Mai Giang); 688,1ha rừng bãi cát ven biển thường gọi là bãi ngang.
Điều đáng lo ngại nhất là do phát triển xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp, khu du lịch ven biển… diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn tại Nghệ An đã giảm từ 7.268,38ha năm 1990 xuống còn 6.791,5ha vào năm 2008 (đây là con số đáng kể vì thành phố chỉ có một xã duy nhất nằm sát biển).
Rừng ven biển mất đi đến đâu, kéo theo hậu quả xói lở bờ đến đó. Trong số 45 xã ven biển có 19 xã bị xói lở, tổng chiều dài các đoạn xói lở là 19.290m (cửa lạch 11.050 m, bãi ngang 8.240m). Với tốc độ xói lở trung bình 42m, mỗi năm Nghệ An mất gần 100ha đất ven biển. Nhiều đoạn xói lở đã vào sát khu dân cư như Sơn Hải, Quỳnh Long; một số đoạn như Quỳnh Bảng, Quỳnh Ngọc tốc độ xói lở từ 150 –200m/năm. Riêng đoạn bờ biển xã Diễm Kim (Diễn Châu) đoạn xói lở dài tới 6km. Đoạn bờ biển thuộc xã Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) bị xói lở mạnh nhất là bờ biển bãi triều cao phía nam Đền Cờn. Riêng đoạn từ Cửa Lò tới Cửa Hội (Nghi Lộc), trước khi có đê, kè bị xói lở rất mạnh, lô cốt Pháp xây dựng năm 1950 cách bờ khoảng 100 mét nay đã ở cạnh mép nước biển. Còn đoạn từ Cửa Hội đến xã Xuân Thanh đã xói lở mất một nửa cồn cát, ước khoảng 15 mét…
Xu thế xói lở bờ dải ven biển Nghệ An đang làm cho dải bờ dịch chuyển dần về phía đất liền, tạo nên những đoạn bờ cong với các mũi nhô ra biển vốn là đồi núi trọc hình thành trước thời Đệ Tứ. Đây vốn là rừng tự nhiên bị khai thác từ xa xưa, chỉ còn lại một số loài cây như sim, mua... Thời gian gần đây đã trồng lại được 5.348,1ha bạch đàn, keo, lim, gió, tràm… (trên tổng số 6.443,3ha đất núi đồi ven biển), nhưng vẫn chưa khắc phục được hậu quả phần lớn đất đai đã bị xói mòn rửa trôi trơ sỏi đá.
Kết quả điều tra đánh giá này sẽ giúp cho cơ quan quản lý, người dân Nghệ An nhìn rõ sự mất mát đất dải ven biển gắn liền với sự mất mát rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; giúp các nhà quản lý và người dân quyết tâm hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo vệ diện tích đất rừng hiện có và tập trung trồng mới phủ kín dải đất trống đồi trọc ven biển.