Phú Yên, một tỉnh nằm trên dải đất miền Trung, không chỉ là điểm đến nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ mà còn có cả kho tàng văn hóa và lịch sử. Bên cạnh các danh thắng nổi bật như gành Đá Đĩa, Mũi Điện - điểm đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, Phú Yên còn sở hữu hệ thống di sản văn hóa đa dạng, từ di tích lịch sử đến các di sản phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực.
Mới đây, Trường đại học Phú Yên phối hợp Sở VHTTDL, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển bền vững du lịch Phú Yên”. Hội thảo đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các chuyên gia du lịch, các nhà khoa học trong cả nước. Các tham luận mang đến hội thảo phân tích ở nhiều góc nhìn, cách tiếp cận, nhiều hiến kế, đề xuất để du lịch Phú Yên phát triển bền vững.
Đồng chí Bùi Thanh Toàn đánh giá cao về nội dung chất lượng hội thảo mang lại. Ảnh: Trần Quới
Di sản văn hóa và thiên nhiên - nền tảng cho phát triển du lịch bền vững
Phú Yên có hệ thống di sản văn hóa phong phú, từ các di tích lịch sử, đền thờ, miếu mạo cho đến di sản phi vật thể như các lễ hội truyền thống và phong tục dân gian. Các di sản văn hóa vật thể như: Mộ và đền thờ Lê Thành Phương, Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, di tích Thành An Thổ, thành Hồ, chùa Đá Trắng, chùa Thanh Lương, nhà thờ Mằng Lăng… là những điểm đến không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách quốc tế. Đặc biệt, nhà thờ Mằng Lăng - một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên, là điểm đến quan trọng trong hành trình khám phá văn hóa, lịch sử của du khách.
TS Nguyễn Thị Hậu, Trường đại học KHXH&NV cho rằng Phú Yên là một vùng đất có chiều sâu văn hóa và có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý giá để phát triển du lịch thành sản phẩm độc đáo, nếu đầu tư xứng tầm. “Trước khi chúa Nguyễn thành lập phủ Phú Yên vào năm 1611, vùng đất Phú Yên đã có bề dày lịch sử - văn hóa khá lâu đời, thể hiện bằng hệ thống di tích lịch sử văn hóa từ những di tích khảo cổ học có niên đại từ văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa… Cùng với những di tích từ thời nhà Nguyễn đến thời kỳ cách mạng, di sản văn hóa chính là nguồn tài nguyên bản địa quan trọng nhất, vì vậy cần có sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện, có những phương thức khai thác và sử dụng phù hợp để bảo tồn, tái tạo và phát triển”, TS Hậu nói.
Không chỉ có di sản văn hóa, Phú Yên còn nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ như: Bãi Xép, Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện, đặc biệt là gành Đá Đĩa - một kỳ quan thiên nhiên độc đáo… Sự kết hợp giữa di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị này cho thế hệ mai sau.
Theo GS.TS Phan Thanh Hiền, Trường đại học KHXH&NV, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên là yếu tố cốt lõi để Phú Yên có thể phát triển du lịch theo hướng bền vững. Phú Yên là tỉnh duyên hải nên cũng khá giống với các tỉnh trong khu vực, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, nhưng nếu cộng thêm di sản văn hóa đá và con người nữa thì đây là một đặc trưng độc đáo, riêng có.
Với tầm quan trọng, là tài nguyên quý để phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên luôn song hành, cùng được bảo tồn và phát huy giá trị.
TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Quới
Văn hóa ẩm thực - điểm nhấn độc đáo
Văn hóa ẩm thực là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển du lịch. Với sự kết hợp giữa các nguyên liệu tự nhiên sẵn có như hải sản, rau củ quả vùng núi và bàn tay tài hoa của các đầu bếp địa phương, ẩm thực Phú Yên đã ghi dấu trong lòng du khách bằng các món ăn độc đáo và tinh tế. Các món đặc sản như mắt cá ngừ đại dương, gỏi sứa, sò huyết đầm Ô Loan, bánh tráng Hòa Đa đã trở thành những biểu tượng của ẩm thực địa phương.
Nét độc đáo của văn hóa ẩm thực vùng đất xứ Nẫu được hình thành từ xa xưa của những cư dân bản địa, cho đến sự giao thoa, hỗn dung văn hóa của tất cả các dân tộc cộng cư trên vùng đất này. Nó cũng chịu ảnh hưởng bởi địa hình “những dãy núi cứ choài ra biển” và được ngăn hai đầu bởi hai ngọn đèo nổi tiếng của đất nước, phía trong đèo Cả, phía ngoài Cù Mông. Phú Yên có chiều dài bờ biển 189km, có núi có sông, có đồng, có vịnh. Bởi thế, ẩm thực ở đây vô cùng phong phú, mùa nào thức nấy, đủ các vùng miền. Và điều quan trọng hơn, đó là ẩm thực Phú Yên có thể dung hòa khẩu vị của mọi người, dù người ở miền Bắc hay khách ở miền Nam.
Thực tế những năm qua, ngành Du lịch Phú Yên đã khai thác thế mạnh này. Nhiều sự kiện quảng bá, xác lập các kỷ lục về ẩm thực được tổ chức, nhiều món ăn trong kho tàng ẩm thực Phú Yên được công nhận các danh hiệu. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết Phú Yên tổ chức xác lập hai kỷ lục quốc gia là 101 món từ cá ngừ đại dương và 100 món ăn từ tôm hùm. Năm 2023, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) xác nhận kỷ lục mới của Phú Yên: Địa phương có hệ thống món ăn độc đáo được chế biến từ tôm hùm nhiều nhất thế giới. “Ẩm thực đã và đang khẳng định vị trí và góp phần quan trọng trong việc giới thiệu quảng bá, phát triển du lịch tỉnh nhà”, bà Thái nói.
Hội thảo phát triển bền vững du lịch Phú Yên, thu hút hàng trăm bài tham luận từ các chuyên gia du lịch, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này. Ban tổ chức đã chọn 49 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu phục vụ hội thảo, với nội dung phong phú, phân tích ở nhiều góc nhìn khác nhau và đưa ra những giải pháp để giải quyết những bất cập, hạn chế, hướng đến sự phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành Du lịch Phú Yên. Nhiều tham luận đã tập hợp các số liệu thực tế rất công phu, lấy ý kiến nhiều du khách, từ đó đưa ra những nhận xét khách quan về mong muốn của du khách và sản phẩm du lịch hiện có. Nhiều vấn đề hạn chế của du lịch Phú Yên đã được chỉ ra, như: Sản phẩm du lịch chưa phong phú, nhất là những sản phẩm du lịch dịch vụ hoạt động về đêm; hạ tầng kỹ thuật cho phát triển du lịch còn hạn chế; công tác marketing xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả; ứng dụng công nghệ chuyển đổi số còn chậm; nguồn nhân lực chưa đáp ứng…
Đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao về nội dung, chất lượng hội thảo “Phát triển bền vững du lịch Phú Yên”. Ban tổ chức đã chọn đúng và trúng vấn đề mà tỉnh Phú Yên đang quan tâm. Các tham luận và ý kiến đóng góp tại hội thảo là cơ sở quan trọng, ngành Du lịch và tỉnh sẽ chọn lọc tiếp thu trong đánh giá tổng kết thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; đưa vào phương hướng giải pháp phát triển du lịch Phú Yên bền vững.
Trần Quới