Phá rừng xanh, thiên tai rình rập

Cập nhật: 13/11/2009
Vùng đệm của rừng đặc dụng giống như da con người, bao bọc bảo vệ phần "thịt" bên trong. Nhưng nhiều tỉnh, thành phía nam đã xóa luôn cả rừng vùng đệm VQG Cát Tiên - để thay bằng cây cao su.
 Đây là chủ trương của Bộ NNPTNT. Theo các nhà khoa học, những diện tích này, đa phần lại nằm ở độ cao vùng đầu nguồn sông Đồng Nai, địa hình chia cắt rất mạnh, độ dốc lớn, nếu trồng cây cao su hay cây nông nghiệp khác dễ gây xói lở bề mặt, gây ra lũ quét ở khu vực hạ lưu sông Đồng Nai, con sông lớn thứ hai của miền Nam, đi qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai...

Lột da

Trải tấm bản đồ ra giữa nền gạch, chỉ vào các ranh giới trắng... hơ hoác bao quanh màu xanh biếc của lõi rừng, ông Trần Văn Bình (Phó Hạt trưởng kiểm lâm, phụ trách khu vực Cát Tiên và Đăng Hà) giải thích, "da" ở đây chính là vùng đệm bao bọc bảo vệ VQG Cát Tiên.
 
Theo Quyết định số 09/2001 của Bộ NNPTNT (về việc phê duyệt ban hành quy chế tổ chức hoạt động của VQG và quản lý bảo vệ vùng đệm) thì ngoại trừ hơn 70.000ha với 3 phân khu thuộc vùng "lõi" (khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái và khu hành chính), thì cứ tính từ đường giáp ranh vùng lõi ra chiều rộng 1km là thuộc vùng đệm.
 
Theo ông Bình, có 7 đơn vị lâm nghiệp quản lý rừng có diện tích rừng vùng đệm tiếp giáp vùng lõi của vườn, gồm Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu; Cty lâm nghiệp La Ngà (địa bàn tỉnh Đồng Nai); Cty Cao su Sông Bé (địa bàn tỉnh Bình Phước) và Lâm trường Bảo Lâm, Lộc Bắc, Đạ Tẻh và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên (thuộc địa bản tỉnh Lâm Đồng).

Theo nguyên tắc, mọi hoạt động sản xuất ở vùng đệm phải bảo vệ được vùng lõi. Thế nhưng, hiện "tấm da" đó của VQG, ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai đang được nhiều địa phương quản lý rừng vận dụng "triệt để" chủ trương của Bộ NNPTNT chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, nên đã giao tất cho các DN gồm: 38 Cty ở huyện Bù Đăng được giao chuyển đổi rừng tại các tiểu khu 317, 318, 320, 321, 322, 323, 324, 325 giáp ranh VQG; 17 Cty được tỉnh Lâm Đồng giao chuyển đổi rừng thuộc Lâm trường Đạ Tẻh - giáp các tiểu khu vùng lõi vườn là 427, 507; rừng vùng đệm ở huyện Cát Tiên cũng vậy, đã giao cho dân.

"Việc Nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với trạng thái rừng nghèo kiệt là cần thiết. Nhưng với vùng đệm là tấm áo giáp của VQG, giống như tấm da bảo vệ phần xương thịt con người.

Thử tưởng tượng, nếu lột sạch tấm da đó, con người có tồn tại? Hàng ngàn hécta chuyển đổi khắp nơi rồi, sao "người ta" không tha cho "tấm da" của vườn (?!)" - Phó GĐ VQG Cát Tiên Vũ Mạnh Lân thốt lên cay đắng.

"Chúng tôi đã... hoàn thành nhiệm vụ"!

Việc xóa sổ vùng đệm, không chỉ làm hại cho hệ sinh thái VQG mà lớn hơn, đây là vùng mà theo các nhà khoa học, địa hình chia cắt rất mạnh, độ dốc lớn, nếu trồng caosu hay cây nông nghiệp khác dễ gây xói lở bề mặt, gây ra lũ quét ở khu vực hạ lưu sông Đồng Nai.

Phó Chánh văn phòng UBND huyện Cát Tiên Phạm Thị Hằng cho biết: Thực hiện chủ trương... chỉ thị... chỉ đạo... từ đầu năm đến thời điểm này, huyện đã giao hết hơn 5.800 ha rừng nghèo (có rừng vùng đệm) cho các thôn 3, 4, Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 rồi! Khoảng 800 hộ dân nhận rừng rồi. Bà con phấn khởi lắm!

Theo bà Hằng thì bà con ở Cát Tiên nghèo, điều kiện khó khăn nên chủ trương huyện mới ưu tiên giao cho dân chứ không giao cho DN. Nhưng theo một cán bộ có chức trách ở Bình Phước thì thực tế là "chẳng DN nào thèm nhảy vào vì đất và đường sá không phù hợp để phát triển cao su". Tương tự trên bản đồ của Lâm trường Đạ Tẻh, đất rừng chi chít các DN.

Nhóm phóng viên xuyên qua con đường rừng heo hút dài hơn 50km từ Cát Tiên (Lâm Đồng) sang tỉnh Bình Phước. Phó GĐ Sở NNPNT Bình Phước Trần Văn Lộc cho hay, rừng của Cty cao su Sông Bé (khu vực huyện Bù Đăng) giáp vùng lõi VQG, tỉnh đã giao cho 38 Cty để trồng cao su.

Việc khai thác tận thu lâm sản cũng được giám sát chặt và thu chi vào ngân sách chứ không phải bỏ túi riêng DN. Các DN được giao (không chỉ riêng 38 DN ở Bù Đăng) sau 6 năm đến kỳ khai thác mủ đầu tiên, phải "hồi" lại cho tỉnh 10% diện tích để tỉnh làm quỹ giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào. Sau 6 năm trồng, các DN mới được giao "sổ đỏ".

K' Minh (Trưởng trạm Kiểm lâm Đăng Hà - huyện Bù Đăng) là người dân tộc Châu Mạ, làm nghề bảo vệ rừng VQG đã 20 năm cho hay, chỉ mới 3-4 DN trong hàng chục Cty được giao chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã hoàn tất thủ tục và đang tận thu lâm sản thôi, nhưng chỉ riêng ở khu vực xã Đăng Hà - tiếp giáp vùng lõi VQG, đã giống như một công trường lớn.

Con đường chúng tôi đi, vốn là đường vận chuyển lâm sản của Nông - lâm trường Nghĩa Trung. Giữa màu xanh ngun ngút của rừng, con đường cũ mà như mới. Những vệt bánh xe cày xới băm nát, tạo thành những cái rãnh dài sâu như cái hào. Để "cày" được trên con đường này mà vận chuyển lâm sản tận thu, bánh sau của những chiếc xe công nông đầu ngang tự chế, xe REO (GMC)... phải dùng xích sắt quấn vào bánh, giống như xe xích.

Suốt gần 5km đường, chúng tôi gặp 5 chiếc xe như vậy, gào rú xé toang cả núi rừng. Cũng suốt dọc 5km tới tận cột mốc vùng lõi VQG, 2 bên đường, những thân, gốc cây đường kính bằng nửa thân người bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Vừa đi, K'Minh vừa chỉ, cái đường ranh đất đỏ này giao cho Cty G.T, chỗ cái cây bị xẻ ra nằm vật vã và khô đét, trắng xóa như xương rừng kia, là ranh giới giữa 2 Cty T.T.V và T.T.S... Ngay tại cột mốc VQG, cũng đã xẻ làm 2 đường rãnh, bước một bước chân xéo sang bên trái là sang "lãnh thổ" của Cty T.T.S đang "dọn rừng". Bước xéo sang góc phải là nơi Cty G.T vừa dọn rừng, vừa trồng cao su...

Năm 1997, Nghị quyết số 08 của Quốc hội đề ra nhiệm vụ trọng tâm: Từ năm 1998 - 2010 trồng mới 5 triệu hécta rừng, trong đó có 2 triệu hécta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 3 triệu hécta rừng sản xuất. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 31.650 tỉ đồng.

Bây giờ? Báo cáo của Bộ NNPTNT ngày 6/11/2009 với Quốc hội thể hiện, chỉ ít tháng nữa là tới 2010, nhưng diện tích rừng trồng mới mới chỉ đạt 56,6% kế hoạch. Trong đó: Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 49,2% kế hoạch, rừng sản xuất đạt 59,2% kế hoạch. Hiện tiến độ giao đất, giao rừng cũng chỉ đạt 69,2% kế hoạch. Tức là 12 năm qua, hàng ngàn tỉ đồng đổ ra, nhưng cây rừng vẫn không "mọc lên" như kế hoạch.

Nguồn: Lao động