Xã Ðại Dực nằm ở phía đông bắc của huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), cách trung tâm huyện khoảng 23 km, gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc Sán Chỉ chiếm tỷ lệ cao nhất. Cảnh quan thiên nhiên phong phú với hệ thống ruộng bậc thang, thác nước muôn sắc màu, đầy quyến rũ chính là cơ hội để Ðại Dực phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, sinh thái.
Du khách trải nghiệm nhảy sạp ở xã vùng cao Ðại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Có thể cảm nhận rõ sự hoang sơ và quyến rũ của homestay tại khu Nà Mó, thôn Khe Lục, xã Ðại Dực. Ðây là một trong những điểm du lịch còn giữ được nguyên vẹn phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.
Anh Nình A Lộc, chủ kinh doanh mô hình homestay cho biết: “Ban đầu người dân cũng khá bỡ ngỡ với loại hình du lịch này và ngại làm lắm vì từ trước đến nay có bao giờ cho người lạ vào ngủ rồi sinh hoạt cùng gia đình đâu. Thế nhưng từ sự vận động của lãnh đạo các cấp và gia đình tự tìm hiểu trên mạng xã hội và hiểu được việc làm kinh doanh du lịch theo mô hình homestay nên thực hiện làm theo. Bước đầu chúng tôi cũng thấy thuận lợi và chắc chắn sẽ duy trì đều đặn trong các năm tới”.
Chủ trương của địa phương là phát triển mô hình du lịch cộng đồng có quy mô, nét đặc trưng riêng để thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên, văn hóa nơi đây. Du khách khi đến với Ðại Dực sẽ được tham gia sinh hoạt cùng các gia đình như: làm ruộng bậc thang, chế biến các món ăn mang đậm nét truyền thống dân tộc của người dân nơi đây.
Chị Hoàng Thị Ðạo, cán bộ văn hóa xã Ðại Dực chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn xã còn giữ được một số ngôi nhà trình tường đất mang đậm lối kiến trúc của người Sán Chỉ. Ðiển hình là ngôi nhà của ông Nình A Liềng ở thôn Khe Lục. Ðây là ngôi nhà còn giữ được gần như nguyên trạng, với hệ thống tường rào bằng đá được xếp đặt hết sức khéo léo.
Ngôi nhà này được làm bằng gỗ từ năm 1969 bao gồm từ khung cột, vách ngăn, kèo. Sàn nhà cao hơn mặt đất, với gian chính giữa dùng để tiếp khách và ngăn thành nhiều phòng ngủ. Bếp được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và đồ dùng được làm bằng tre nứa. Ngoài khu nhà chính, ngôi nhà còn có hai chái nhà ở hai bên. Chiều sâu ngôi nhà của người Sán Chỉ trung bình là 5 đến 9 hàng cột, mỗi hàng cột cách nhau 2,5 đến 3m.
Bí thư Ðảng ủy xã Ðại Dực Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Ðại Dực được thiên nhiên ưu đãi về địa thế và khí hậu rất mát mẻ, trong lành. Ðể tận dụng lợi thế này, chúng tôi đã đẩy mạnh việc phát triển các loại hình kinh doanh du lịch, trong đó đặc biệt là du lịch cộng đồng, homestay, từ đó nhân rộng ra toàn xã để Ðại Dực có sự phát triển du lịch riêng biệt, đặc sắc để thu hút du khách tới tham quan, khám phá ngày một tăng”.
Ðại Dực không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, các dòng thác hùng vĩ, những ngôi nhà cổ mà còn là nơi có sắc phục truyền thống rất đẹp. Các thiếu nữ dân tộc Sán Chỉ cùng khoe dáng trong bộ váy áo được may bằng các màu xanh và đen, được thiết kế đơn giản, phù hợp cho các hoạt động nông nghiệp, thể hiện sự chung thủy, son sắt của người phụ nữ. Trang phục màu tràm thể hiện sự khỏe khoắn của đàn ông Sán Chỉ. Ðặc biệt, Ðại Dực còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc như nghi lễ cầu mùa, hát soóng cọ, ẩm thực độc đáo. Lễ hội mùa vàng, cùng những thửa ruộng bậc thang óng ả luôn là điểm nhấn thu hút du khách khám phá và trải nghiệm.
Ðược bao quanh bởi đồi, núi nên Ðại Dực có một vẻ đẹp quyến rũ riêng có với đa sắc màu của thiên nhiên ban tặng, có thể kể đến như: thác Nặm Văm cao hơn 30m, thác Cô Bảy cao hơn 40m, thác Khe Lục Mỷ cao hơn 50m, hay thác Á Chu Lan cao hơn 60m. Ðây là những địa điểm tuyệt vời để du khách dừng chân, chụp ảnh kỷ niệm. Cùng với hệ thống khe suối, xã Ðại Dực còn có nhiều núi, đồi nổi tiếng. Nằm cách thác Nặm Văm khoảng 200m ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, đồi Tình là một quần thể gồm hơn 200 ha rừng thông, đây là nơi trai, gái Sán Chỉ thường hẹn hò, hát giao duyên soóng cọ. Nhờ trồng lúa trên các sườn đồi chung quanh xã, người dân nơi đây đã tạo ra một hệ thống ruộng bậc thang cực kỳ đẹp mắt.
Bài và ảnh: Lương Quang Thọ