Bộ tộc nổi tiếng khắp thế giới nhờ những hình vẽ khổng lồ trên sa mạc ở Peru đã biến mất cách đây 1.500 năm vì tự làm mất những khu rừng bạt ngàn. Những hình vẽ khổng lồ của người Nazca trên những khu vực bằng phẳng và giáp biển ở phía nam Peru được phát hiện từ năm 1939. Chúng lớn đến nỗi người ta có thể quan sát chúng từ trên máy bay. Kể từ khi được phát hiện tới nay, những hình vẽ ấy (chủ yếu là động vật) thu hút sự chú ý của giới khoa học.
Hàng nghìn khách du lịch tới Peru mỗi năm để chiêm ngưỡng những kiệt tác của người Nazca. Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu tại sao người Nazca tạo ra những hình vẽ khổng lồ và chúng có vai trò gì trong đời sống của họ.
Người Nazca sống trong những thung lũng ở phía nam Peru từ năm 200 trước Công nguyên tới năm 500 sau Công nguyên. Những di vật còn sót lại cho thấy bộ tộc này rất khéo tay, lãng mạn và tài hoa. Đồ gốm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí và sản phẩm dệt của người Nazca rất đẹp và tinh xảo. Nền văn minh của họ suy tàn rồi diệt vong từ khoảng 1.500 năm trước. Nguyên nhân khiến nền văn minh Nazca biến mất cũng là một bí ẩn lớn giống như những kiệt tác hội họa khổng lồ của họ.
Daily Mail cho biết, một nhóm chuyên gia của Đại học Cambridge (Anh) và Vườn thực vật học Kews của hoàng gia Anh đã tới Peru để tìm hiểu nguyên nhân diệt vong của người Nazca trong hàng chục năm. Họ nhận thấy trong những thập niên cuối cùng trong quá trình tồn tại, phần lớn cây lương thực mà người Nazca trồng không thể sống do khí hậu quá khô và quá nóng. Nguyên nhân khiến khí hậu trở nên khô và nóng chính là tình trạng phá rừng.
Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Latin American Antiquity, nhóm chuyên gia cho rằng người Nazca chặt phá rừng để lấy đất trồng cây lương thực và tập quán đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những thung lũng mà người Nazca sinh sống từng có rất nhiều rừng huarango - một loại cây có khả năng giữ nước, làm tăng độ màu mỡ của đất và chống xói mòn nhờ bộ rễ sâu. Trên thực tế những rừng huarango đã bảo vệ hệ sinh thái mong manh của người Nazca cũng như hệ thống thủy lợi của họ. Nhưng chúng bị chặt dần để nhường chỗ cho ngô, bông và nhiều cây lương thực khác.
Tới một thời điểm nhất định, diện tích rừng huarango bị phá lớn đến nỗi khí hậu trở nên khô, nóng. Khi những trận lũ xảy ra, họ cũng không thể chống đỡ vì đã mất hệ thống bảo vệ mà tự nhiên ban tặng, đó là những khu rừng huarango. Không còn được rừng che chở, hệ thống thủy lợi bị phá hủy khi những con sông tràn bờ. Hậu quả là người Nazca buộc phải bỏ hoang những vùng đất canh tác.
"Chúng tôi tìm được nhiều bằng chứng cho thấy, sau khi hệ thống thủy lợi biến mất, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tuổi thọ trung bình của người Nazca giảm, trong khi số năm mất mùa và những trận lụt lại tăng nhanh", tiến sĩ David Beresford-Jone, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói.
Còn tiến sĩ Oliver Whaley, trưởng nhóm nghiên cứu và là một chuyên gia của Vườn thực vật Kews, phát biểu: "Những sai lầm của người xưa cho chúng ta bài học về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và hệ sinh thái trong hiện tại cũng như tương lai".