Thời gian qua, du lịch biển ở nước ta phát triển khá mạnh với lượng khách và doanh thu tăng hàng năm, dự báo đến năm 2010 tăng lên 7-7,5 triệu lượt khách và trên 2 tỷ USD, trong đó, du lịch biển thu hút khoảng 80% lượng khách đến Việt Nam và chiếm khoảng trên 70% doanh thu so với cá nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với chính sách kinh tế mới, du khách quốc tế và nội địa sẽ tiếp tục tăng, tạo thuận lợi cho du lịch biển và du lịch sinh thái phát triển. Điều này đồng nghĩa với tăng nhu cầu phát triển du lịch biển bền vững với phương châm sạch môi trường, đẹp văn hóa, hiện đại, dân tộc và độc đáo.
Như đã nói, môi trường biển và các hệ sinh thái của nó đã tạo ra yếu tố đầu vào cơ bản (vốn sinh thái) đối với phát triển du lịch biển. Do vậy, tính bền vững trong phát triển phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng và mức độ bảo toàn nguồn vốn này.
Trên thực tế, các chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển được đưa ra biển nước ta ngày càng nhiều, kéo theo các chất có thể gây ô nhiễm biển, như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại khác.
Đến năm 2010, dự tính lượng chất thải sẽ tăng rất lớn ở vùng nước ven bờ, trong đó dầu khoảng 35.160 tấn/ngày, nitơ tổng số 26-52 tấn/ ngày và tổng amonia 15-30 tấn/ngày...
Sự tăng nhanh về số lượng tầu thuyền gắn máy loại nhỏ, công suất thấp, cù kỳ và lạc hậu đã đóng góp khoảng 70% lượng dầu thải trong biển. Sự cố tràn dầu và thải dầu cặn cũng đã xảy ra, từ năm 1994 - 2006 đã xác định được trên 50 vụ tràn dầu với số lượng dầu tràn hàng nghìn tấn.
Hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật tích lũy trong cơ thể các loài sinh vật thân mềm ngày càng cao đã tạo mối nguy cho sức khỏe cộng đồng và du khách. Hiện tượng thủy triều đó thường xuất hiện từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, mà dân địa phương gọi là “mùa bột báng”.
Có nơi nước biển ven bờ nhầy nhụa bột báng mầu xám đen dầy cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên hàm lượng phù sa lơ lửng từ sông, nên chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ biển tiếp tục suy giảm theo chiều hướng xấu và đã không chỉ ảnh hưởng chất lượng tài nguyên du lịch biển (nước, bãi tắm...), mà còn đến mỹ cảm và sức khỏe của du khách (tham khảo thêm ví dụ ở khung 01 và 02).
Dưới sức ép của các hoạt động phát triển và thói quen khai thác tài nguyên thiếu thân thiện, diện tích rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp, môi trường rừng bị suy thoái. Cả nước hiện chỉ còn khoảng 155.290 ha, giảm 100.000 ha so với trước năm 1990 và vẫn tiếp tục giảm nhanh. Tốc độ mất rừng ngập mặn do các hoạt động sản xuất trong giai đoạn 1985-2000 ước khoảng 15.000 ha/năm.
Rạn san hô đang bị khai thác quá mức bằng các phương tiện mang tính hủy diệt như đánh mìn, sử dụng hóa chất độc bị suy thoái nghiêm trọng. Theo cảnh báo, 80% rạn san hô biến nước ta nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở tình trạng rủi ro cao, và đến nay chỉ 20% còn ở mức tốt và rất tốt.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với hệ sinh thái thảm cỏ biển. Tính liên kết chức năng hai chiều của các hệ sinh thái biển - ven biển đang có chiều hướng bị phá vỡ.
Tính liên kết chức năng hai chiều của các hệ sinh thái biển - ven biến đang có chiều hướng bị phá vỡ, gây ra tác động kiểu phản ứng “nhiệt hạch” và biển nước ta có nguy cơ trở thành “thủy mạc”, gây tổn thất nguồn giống tôm cá và nguồn vốn phát triển du lịch biển. Đó cũng là thông điệp mà các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã cảnh báo với Quốc hội từ năm 2000.
Như chúng ta điều biết, tài nguyên biển là dạng tài nguyên chia sẻ và thường bị “khai thác tự do”. Do vậy, mâu thuẫn lợi ích giữa phát triển du lịch biển và các ngành khác ở vùng ven bờ và các đảo có chiều hướng gia tăng.
Thiếu sự phối hợp liên ngành trong sử dụng và quản lý tài nguyên ven biển, biển và đảo nên không ít nơi có tiềm năng du lịch biển lại nằm cạnh các cảng/ biến, khu nuôi trồng và khai thác thủy sản... gây tác động tiêu cực lẫn nhau.
Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển và quản lý du lịch biển còn rất hạn chế và thụ động. Đặc biệt, trong tình hình thực thì pháp luật trên biển và ở vùng ven bờ nước ta còn yếu, chính sách quản lý môi trường biển còn chưa đồng bộ, vẫn còn khoảng 1,8 triệu dân ven biển nghèo đói trong khi sinh kế của họ gắn chặt với nguồn tài nguyên biển; dân trí của người dân ven biển và hải đảo thấp và nhận thức của du khách còn yếu thì việc phát triển du lịch biển bền vững theo hướng công nghiệp hóa và hội nhập sẽ còn gặp không ít khó khăn.
Thí dụ, ngay trong vùng lõi của khu Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) có cả ba làng cá nối với hơn 500 gia đình. Chất thải sinh hoạt và lượng thức ăn dư thừa trong nuôi trồng thủy sản lồng bè từ các làng nổi như vậy cùng tác động đến môi trường chung quanh.
Các giá trị văn hóa biển truyền thống như lễ hội nghề cá, chọi trâu: các di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng ven biển như đền thờ, miếu mạo mang sắc thái biển (đền thờ Ông Cá Voi, thú biển...), các kiểu văn hóa làng chài, các thành tựu kinh tế qua các hội chợ triển lãm ở các thành phố ven biển...
Đây cũng là những điều kiện hấp dẫn khách du lịch ra biển với nhiều mục tiêu trong một kỳ nghỉ, nhưng đến nay chưa được phát huy và lồng ghép vào kế hoạch phát triển du lịch biển bền vững.
Nằm trong khu vực biển có tính khắc nghiệt về mặt thời tiết, khí hậu, nên nước ta thường chịu nhiều rủi ro thiên tai (bão lũ, sóng thần...). Nước ta cùng được cảnh báo về nguy cơ sóng thần và ngập lụt nặng nề từ kịch bản của nước biển dâng do hiệu ứng nhà kính của sự ấm lên toàn cầu.Các đợt nắng nóng kéo dài trong các năm gần đây đã khiến cho nhiệt độ nước biển trong mùa hè (tháng 5 và 8) ở nước ta cao hơn nhiều so với mức thông thường. Nước biển ấm lên làm thay đổi điều kiện sinh thái biển và dẫn đến san hô bị chết trắng hàng loạt ở nhiều vùng biển trong cả nước.
Nước biển dâng cao và ấm lên sẽ làm ngập và phá hủy các hệ sinh thái ven biển (rừng ngập mặn,...) và các ốc đảo san hô ngoài khơi, gây ra “thảm họa” sinh thái và triệt hại nguồn vốn tự nhiên đối với phát triển du lịch biển bền vững.