Đồng Nai: Phát triển du lịch từ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể  

Cập nhật: 14/12/2024
(TITC) - Đồng Nai là tỉnh nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, sở hữu tiềm năng du lịch khá đa dạng, phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể.

Diễu hành nghinh thần trên sông Đồng Nai, TP. Biên Hòa

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai có mục tiêu gắn với phát triển du lịch, vừa thu hút khách tham quan đến với Đồng Nai, vừa quảng bá sắc thái văn hóa lan tỏa rộng rãi trong, ngoài tỉnh và cả quốc tế, góp phần tích cực xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.

Vừa qua, tại hội thảo khoa học về di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Nai do Bảo tàng Đồng Nai tổ chức, nhiều ý kiến của đại biểu đã nhận định rằng di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt lịch sử, văn hóa và phát triển du lịch của tỉnh. Đó là những giá trị được cảm nhận bằng định tính, không thể định lượng cân đo đong đếm bằng vật thể nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và du lịch.

Di sản văn hóa phi vật thể (tiếng Anh: Intangible cultural heritage) là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn, hoạt động thực hành và các hình thức khác..


Thời gian qua, Đồng Nai triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa, môi trường di sản văn hóa bằng cách đưa vào nhà trường chương trình giáo dục lịch sử văn hóa địa phương. Đây là một cách làm hay, mang lại kỳ vọng về giáo dục nhận thức cho thanh thiếu niên học sinh về di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương trong hệ thống giá trị văn hóa di sản phi vật thể.

Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, hội diễn đờn ca tài tử, Liên hoan Bóng rỗi -  địa nàng, Lễ hội Chùa Ông thành phố Biên Hòa… nhằm hồi sinh di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương.

Trong thời gian tới, để hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản đi vào chiều sâu, hiệu quả, tỉnh cần quan tâm tới một số nội dung như: các lễ hội văn hoá dân tộc, chỉ có ý nghĩa bảo tồn văn hoá khi được tổ chức trong không gian môi trường văn hoá, xã hội gắn với địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc. Di sản văn hóa phi vật thể có tính hội tụ và lan tỏa nên các hoạt động phối hợp và liên kết liên ngành nội vùng luôn cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý các tỉnh, thành để tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và phát triển các di sản phi vật thể. Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của quá khứ, cần thiết có hình thức động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho việc sáng tạo giá trị phi vật thể mới đáp ứng nhu cầu của đời sống đương đại và hiện đại. Đồng thời, cần chú trọng tới việc thực hành nghề và truyền nghề, quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh nghệ nhân, chú trọng việc truyền nghề là rất quan trọng trong quá trình bảo tồn giá trị di sản.

Trung tâm Thông tin du lịch