Bảo tồn và quảng bá rộng rãi các giá trị di sản địa chất và văn hóa đặc sắc của Cao Bằng

Cập nhật: 14/12/2024
(TITC) - Từ năm 2018, Công viên Địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực và phát huy các giá trị di sản, tạo được những điểm nhấn, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với 130 điểm di sản độc đáo đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Tỉnh Cao Bằng đã xây dựng 4 tuyến du lịch Công viên địa chất, gồm "Hành trình về nguồn cội", "Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay", "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên", và "Một thời hoa lửa". Những tuyến du lịch này giúp quảng bá rộng rãi các giá trị di sản địa chất và văn hóa đặc sắc của Cao Bằng.

Thác Bản Giốc - điểm đến nổi bật trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Thác Bản Giốc thu hút du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên ban tặng. Trong khi điểm khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi Bác Hồ từng hoạt động cách mạng, mang lại những trải nghiệm lịch sử đáng nhớ cho du khách; cùng với làng hương thơm Phja Thắp và làng rèn Pác Rằng, các điểm du lịch cộng đồng nổi bật là những trải nghiệm không thể thiếu đối với du khách khi đến với Cao Bằng.

Qua hơn 6 năm được UNESCO công nhận, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới đặc trưng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động như tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc, thi ẩm thực giới thiệu sản phẩm nổi tiếng, và khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, nâng cấp dịch vụ du lịch đã góp phần thu hút khách du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong 4 năm qua, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt trên 5,4 triệu lượt. Các chỉ tiêu phát triển du lịch cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.

Được biết thời gian tới, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền về việc đầu tư hạ tầng cho 4 tuyến du lịch trải nghiệm Công viên địa chất; hướng dẫn, tập huấn cho người dân vùng di sản làm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP. Các địa phương trong vùng cũng sẽ quan tâm phục dựng nhiều lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số, động viên nghệ nhân sưu tầm dân ca, dân vũ cổ, xây dựng đội văn nghệ xóm, bản phục vụ phát triển du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch