(TITC) - Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, hội tụ nhiều các giá trị văn hóa đặc sắc, nhiều di sản vẫn còn được giữ gìn, các hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm bảo vệ trùng tu phát huy giá trị cho các thế hệ.
Biểu diễn nghệ thuật ở khu di tích Tháp Bà Ponagar
Vừa qua, 6 di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo gồm: Đình Lập Định (thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm); đình Quang Đông (thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa); đền Hùng Vương (số 173 đường Ngô Gia Tự, phường Tân Tiến, TP. Nha Trang); trên địa bàn TP. Cam Ranh có 3 di tích, gồm: Trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi (Tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh), đình Trà Long (Tổ dân phố Hương Long, phường Ba Ngòi), đình Mỹ Thanh (thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông).
Các công trình này trước đó đều trong tình trạng xuống cấp theo thời gian cần phải được tu bổ. Các di tích sau khi được trùng tu sẽ bàn giao cho địa phương tiếp nhận quản lý và đưa vào khai thác, đáp ứng được nhu cầu mong muốn trong nhân dân, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng tâm lý và các hoạt động văn hóa.
Không chỉ vậy, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, công tác tuyên truyền và quảng bá di sản văn hóa đã được quan tâm, chú trọng triển khai hiệu quả. Khánh Hòa đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa, thu hút sự tham gia của nhiều thí sinh và khán giả. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng đã triển khai công tác số hóa di sản văn hóa, gắn mã QR-Guiding tại các di tích quốc gia và ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 để phục vụ khách tham quan.
Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức tại di tích Tháp Bà Ponagar. Tại danh thắng Hòn Chồng, các chương trình tọa đàm và trưng bày hình ảnh với chủ đề Trở về với di sản văn hóa Raglai và Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo cũng đã được tổ chức.
Việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Với ý nghĩa đó, tỉnh Khánh Hòa đã và đang chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển bền vững và thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa.
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, giáo dục truyền thống và quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Khánh Hòa. Tuy nhiên, hệ thống các di tích được xếp hạng phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với số lượng lớn và tuổi đời công trình cao nên ngày càng bị xuống cấp. Đối với những di tích lịch sử cách mạng thường ở xa khu dân cư, nằm sâu trong rừng núi, đường đi lại khó khăn nên chưa được đầu tư nhiều, ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị di tích vào giáo dục truyền thống và thu hút khách du lịch.
Phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các bên liên quan. Bằng cách nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, có thể đảm bảo rằng các giá trị văn hóa, di sản quý báu của địa phương sẽ được giữ gìn và phát huy, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn.
Trung tâm Thông tin du lịch