Tác động của môi trường xã hội đến du lịch và ngược lại.

Cập nhật: 30/10/2009
Hoạt động du lịch liên quan trực tiếp phục vụ con người, đó là những người có thời gian nhà rỗi, có tiền, có nguyện vọng và sở thích để tìm hiểu, mở mang nhận thức nhằm tái hồi sức khoẻ và cân bằng lại về tâm sinh lý. C.Mark đã từng định nghĩa: “ Xã hội là tổng hoà các mối quan hệ giữa con người và con người”, chính vì vậy, hoạt động du lịch muốn phát triển tốt phải giải quyết hài hoà các mối quan hệ này.

Các nhà nghiên cứu về du lịch đã từng phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của hoạt động du lịch đối với đời sống xã hội nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Trước hết nói đến những điểm hoặc địa phương đón tiếp và phục vụ khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Đây chính là điểm cốt lõi của hoạt động du lịch. Tại đây, một xã hội thu nhỏ với những quan hệ giữa những con người có nhận thức khác nhau, có trình độ nghề nghiệp khác nhau, có phong tục tập quán, tính cách và thói quen, nếp sống khác nhau..v.v, làm sao những vấn đề khác nhau này được tổng hợp lại vì mục tiêu chung là phát triển du lịch bền vững. Xét về mặt xử lý các mối quan hệ, ở đây không chỉ có luật pháp của Nhà nước, các quy định pháp luật của chính quyền địa phương mà còn có cả hương ước, lệ làng cũng như những quy định của dòng họ và xóm thôn, phường xã. Xét về mặt lợi ích trong việc phát triển hoạt động du lịch thì không chỉ có lợi ích về tinh thần mà cả lợi ích về vật chất. Lợi ích về tinh thần đó là danh tiếng, uy tín,lòng tự hào về quê hương, về đất nước, về cơ sở kinh doanh và phục vụ, về dòng họ và cả về từng cá nhân con người ở địa điểm hoặc địa phương đó không chỉ ở trong nước mà ở các nước trên thế giới. Có danh thì sẽ có lợi, nhưng quan trọng hơn là phần phân chia lợi ích cũng phải hài hoà và tương đối. Đó là lợi ích của Nhà nước, lợi ích của địa phương, lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của những người tham gia trực tiếp vào hoạt động phục vụ du lịch cũng như lợi ích của cộng đồng dân cư. Lợi ích ở đây không phải chỉ tính bằng tiền mà phải tính đến những lợi ích to lớn hơn như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy những ngành, nghề truyền thống, tạo ra các mối quan hệ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện “xuất khẩu tại chỗ”; tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho xã hội nói chung và cho địa phương nói riêng. Dân gian Việt nam có câu: “ Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Không thể vì ba đồng mà để mất cả danh tiếng và uy tín của một điểm du lịch cũng như một đất nước phát triển du lịch. Xuất phát từ đặc điểm này, những năm qua ngành du lịch Trung Quốc đã tiến hành bình bầu những địa phương tiêu biểu cho sự phát triển du lịch trong cả nước nhằm biểu dương cho danh tiếng và uy tín của các địa phương không chỉ cho khách du lịch nước ngoài mà cả cho khách du lịch trong nước.

Thực tế hoạt động du lịch trên đất nước ta trong một số năm qua cho thấy, ngoài một số địa phương như Hội An, Đà nẵng và một số điểm tham quan du lịch đã tạo được danh tiếng và uy tín trong hoạt động du lịch, thì vẫn con rất nhiều địa phương và các điểm tham quan kể cả các cơ sở kinh doanh và phục vụ khách vẫn chưa tạo lập được ấn tượng cho khách. Hiện tượng Bẩn - Bực và Buồn trong tâm trạng của khách du lịch còn diễn ra khá phổ biến. Có thể nói đây là một tác động rất tiêu cực của môi trường xã hội đến hoạt động du lịch. Bẩn ở đây không chỉ là về môi trường tự nhiên mà cả môi trường xã hội. Khách đến tham quan du lịch là để hưởng thụ và cảm nhận cái đẹp, cái mới, cái lạ, cái hấp dẫn và ấn tượng tốt, sâu sắc, thế nhưng những háo hức để hưởng thụ này được thay bằng những ấn tượng xấu và bực mình. Vấn đề ở chỗ cần làm sao cho một môi trường xã hội tại các điểm và địa phương phát triển hoạt động du lịch thật lành mạnh và trong sạch, có như vậy thì mới phát triển được du lịch bền vững. Điều này phụ thuộc vào ý thức xã hội về phát triển hoạt động du lịch.

Khách du lịch gồm những người có thành phần dân tộc, tuổi tác, giới tính, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, phong tục tập quán, sở thích, nếp sinh hoạt, thói quen tiêu dùng khác nhau. Họ đến điểm tham qua du lịch với những mục đích và mong muốn khác nhau. Bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có không ít những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại điểm tham quan. Đó là các hiện tượng như: làm ô nhiễm môi trường tự nhiên: vứt rác và đồ thải bừa bãi, vệ sinh không đúng nơi quy định, bẻ lá cây, hái hoa, viết lên các di tích..v.v. Buôn bán những hàng hoá và văn hoá phẩm cấm, ăn mặc không lịch sự, có những đòi hỏi trái với thuần phong mỹ tục của địa phương nơi đến tham quan, có những hành vi tác động xấu đến môi trường xã hội của địa phương như cờ bạc, mại dâm..v.v. Tất cả những hiện tượng cần được ngăn chặn kịp thời không chỉ bằng những biện pháp hành chính mà cái chính là công đồng dân cư nơi khách đến tham quan trước hết phải nghiêm túc, gương mẫu để thuyết phục khách. Nếu một môi trường xã hội nơi khách đến tham quan du lịch sạch sẽ, trật tự và văn minh thì chắc chắn rằng khách du lịch sẽ có ấn tượng mạnh mẽ và tuân thủ nghiêm túc các quy định của nơi đón tiếp đặt ra.

Để phát triển du lịch bền vững, chúng ta không chỉ quan tâm đến môi trường tự nhiên mà cần đặc biệt quan tâm đến môi trường xã hội. Mọi việc xấu - tốt , tích cực và tiêu cực đều do con người quyết định. Khi ý thức xã hội của con người được nâng cao thì môi trường xã hội sẽ tốt đẹp, điều này hoàn toàn đúng khi cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch nhận thức rõ vai trò và lợi ích của du lịch đối với cuộc sống của họ.

 

Nguồn: TS. Trịnh Xuân Dũng - Tổng cục Du lịch