Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, người nào thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Đáng lưu ý, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-10 năm.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để điều 182-257, chương XVII các tội phạm về môi trường của Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2010) đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Thông tư này quy định rõ việc một cơ sở xả thải vượt quá quy chuẩn quốc gia về chất thải bao nhiêu lần thì gọi là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao nhiêu lần là đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, khi một doanh nghiệp bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người đứng đầu sẽ bị truy cứu nhưng sẽ không bỏ qua người trực tiếp vận hành. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần hướng dẫn doanh nghiệp phương thức tốt để bảo vệ môi trường, đồng thời kiểm tra thường xuyên để phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Thanh tra Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ, nếu phát hiện có vi phạm thì tiến hành xử phạt hành chính.