Sau gần 4 tháng thực hiện, chương trình phát túi sử dụng nhiều lần cho người tiêu dùng do Trung tâm Ứng phó biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) triển khai, với sự phối hợp của nhiều hệ thống siêu thị, người dân vẫn thờ ơ với túi sử dụng nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để trang bị túi sử dụng nhiều lần cho người dân, mong muốn hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường, nhưng nỗ lực này dường như không hiệu quả.
Sức ì của thói quen
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế TP.HCM cho biết, hiện trạng sử dụng túi ni lông đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thành phố, thậm chí đến mức báo động.
Ước tính trong năm 2009, tổng lượng bao bì nhựa sử dụng tại TP.HCM khoảng 762.000 tấn và con số này sẽ tăng lên gần 1 triệu tấn vào năm 2010. Trong tổng lượng rác thải, túi ni lông chiếm 6,3% và đang có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Tình trạng gia tăng lượng rác thải ni lông đang khiến cho hệ thống cống thoát nước của thành phố bị nghẹt cứng; tình trạng ngập trên diện rộng ngày càng tăng, diện tích đất sử dụng để chôn lấp loại rác này cũng tăng… Do đó, tại TP.HCM cấp thiết phải có biện pháp hạn chế sử dụng túi ni lông.
Việc nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện khuyến khích người dân dùng túi nhiều lần, thân thiện với môi trường, là hành động rất tích cực nhưng hiệu quả chưa cao, vì do người dân vẫn chưa có thói quen mang túi khi đi mua hàng.
Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, nhiều người dân khi đến mua hàng vẫn sử dụng túi ni lông của siêu thị. Trong 50 người mua hàng mà chúng tôi quan sát, chỉ khoảng 1 – 2 người là có cầm theo túi ni lông sử dụng nhiều lần do Co.opMart phát miễn phí cách nay 4 tháng. Bản thân hệ thống siêu thị này cũng dành gian hàng mặt tiền để trưng bày bán túi sử dụng nhiều lần, nhưng gần như không thu hút được người tiêu dùng đến xem chứ đừng nói là mua.
Tương tự, tại các hệ thống siêu thị khác như Maximax, Cora, Vinatex, Hà Nội, người tiêu dùng hầu hết không dùng túi sử dụng nhiều lần để đi mua hàng. Trao đổi về lý do tại sao không sử dụng túi nhiều lần, chị Trần Thị Ly, nhà ở đường Huỳnh Tịnh Của, phường 19, quận Bình Thạnh cho biết, dùng túi sử dụng nhiều lần sẽ giúp bảo vệ môi trường nhưng rất khó vì chẳng lẽ đi làm lại cứ kè kè theo cái túi, còn nhiều lúc đi từ nhà đến siêu thị thì lại cứ quên mang theo túi…
Bà Trần Kiều Lan, Giám đốc Quản lý chất lượng của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op - đơn vị chủ quản của Co.op Mart) cho biết, từ tháng 7-2009, để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường, đơn vị đã tặng 30.000 túi sử dụng nhiều lần cho tất cả các khách hàng thành viên hoặc những khách hàng mua hàng có giá trị hóa đơn trên 500.000 đồng. Không chỉ vậy, để khuyến khích người dân thường xuyên sử dụng túi này, đơn vị còn có nhiều chính sách hậu mãi đi kèm như thưởng cho khách hàng sử dụng túi này nhiều lần. Thế nhưng, sau 4 tháng triển khai, chỉ có khoảng gần 10% khách hàng còn sử dụng, số còn lại vẫn quen sử dụng túi ni lông do hệ thống siêu thị cấp phát miễn phí.
Để hình thành thói quen mới
Các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức hoặc khuyến khích người dân sử dụng túi thân thiện môi trường còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thể bắt buộc phải mang theo túi sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng từng lo ngại, rằng việc khuyến khích người dân sử dụng túi nhiều lần là vấn đề cực kỳ khó khăn, vì do thói quen, sự tiện lợi và nhất là sự triển khai chưa đồng bộ giữa các siêu thị với nhau. Bản thân đơn vị cũng chỉ có thể dừng lại ở mức khuyến khích vì nếu bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua hàng.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, trước thực tế bức thiết trên, Sở đã có Công văn kiến nghị với UBND TP.HCM ban hành quy định về việc bắt buộc người dân phải sử dụng túi thân thiện với môi trường. Theo đó, việc bắt buộc sử dụng túi này sẽ đi theo một lộ trình dài hơi. Bước đầu chương trình này sẽ tuyên truyền để người dân tự nguyện sử dụng túi thân thiện môi trường thay cho túi ni lông. Kế đến sẽ khuyến khích các hệ thống siêu thị vận động người dân dùng túi sử dụng nhiều lần; cấp phát túi sử dụng nhiều lần miễn phí; tổ chức hệ thống thu gom, tái chế loại túi này và cuối cùng là Nhà nước sẽ đánh thuế tái chế lên việc sử dụng túi ni lông. Đề nghị trên đã được Sở trình UBND TP.HCM từ lâu, nhưng cho đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa thông qua.
Ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh, cách làm này đã và đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới và mang lại kết quả tốt. Tại Việt Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quang Nam, đã triển khai chương trình vận động người dân sử dụng túi nhiều lần đang bước đầu thu được kết quả khả quan. Do đó, nếu ngay từ bây giờ, UBND TP.HCM ban hành quy định buộc người dân phải sử dụng túi thân thiện với môi trường cũng đã là đi trước về sau. Tuy nhiên, muộn vẫn còn hơn không để buộc người dân tập dần với thói quen mới cùng nỗ lực bảo vệ môi trường.