Ông Koos Neefjes - chuyên gia tư vấn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, cho rằng, Việt Nam cần thông qua hội nghị của LHQ sắp tới về biến đổi khí hậu để tìm kiếm các nguồn lực ứng phó.
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam đe doạ cả nhiều nước
Ông Neefjes nhấn mạnh đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong ba điểm nóng trên thế giới bị đe doạ bởi nước biển dâng. Nghiên cứu của UNDP nêu rõ: "Đến năm 2030, mực nước biển dâng ở ĐBSCL, nơi có 4 triệu người sống trong đói nghèo, sẽ làm cho 45% diện tích đất của vùng này bị tổn thương trước mặn hoá cực đoan và thiệt hại cây trồng, năng suất lúa giảm 9%".
Ông Neefjes nói, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai, nên việc mất an ninh lương thực không chỉ ảnh hưởng tới 80 triệu người Việt Nam, mà còn có ảnh hưởng đến nhiều nước khác trên thế giới.
Là người Hà Lan, ông Neefjes cho biết, Rotterdam đã chi 15 tỉ USD cho việc củng cố đê điều, bảo vệ cảng biển. "Việt Nam có nhiều cảng biển, cần một hệ thống đê điều bêtông để bảo vệ các cảng, như vậy sẽ phải chi bao nhiêu tiền để củng cố đê điều?".
Lo ngại rằng thông điệp về tác động của BĐKH chưa được chuyển tải đúng đắn, cố vấn của LHQ nhắc đi nhắc lại rằng Việt Nam có rất nhiều việc phải làm để ứng phó với BĐKH, trong đó, đặc biệt cần chú ý đến việc quy hoạch vùng, nhất là với tốc độ mở rộng TP.Hồ Chí Minh như hiện nay, việc phát triển các tiêu chuẩn xây dựng mới, trợ giúp cho các nhóm cư dân dễ bị tổn thương nhất trước BĐKH và bảo vệ, củng cố rừng, bức tường xanh giúp giảm thiểu tác hại của thiên tai.
Hai khó khăn lớn của việc ứng phó với BĐKH ở Việt Nam là thiếu nhận thức, kiến thức và thiếu nguồn lực tài chính. Các kịch bản BĐKH công bố gần đây ước tính, từ nay đến 2015 cần hơn 1.900 tỉ đồng (120 triệu USD) chỉ riêng cho việc nghiên cứu tác động của BĐKH và nâng cao nhận thức về vấn đề này. Nguồn lực tài chính trong nước chỉ là một phần nhỏ, mặc dù sẽ tăng vốn ngân sách và tìm kiếm các nguồn vốn tư nhân, song Việt Nam dự định thu hút tới 50% tài trợ quốc tế chống BĐKH.
ODA tập trung cho BĐKH
Ông Neefjes cho biết, hội nghị của LHQ về BĐKH tại Copenhagen (Đan Mạch) (COP 15) trong hai tuần tới là cơ hội tốt cho Việt Nam: "Đàm phán quốc tế cần tạo ra năng lực, tài chính, công nghệ để giảm thiểu và thích ứng với các tác động của BĐKH... Là một trong những nước bị tác động nhiều nhất, nhưng Việt Nam chưa trở thành tiếng nói đi đầu của các nước đang phát triển ở các cuộc đàm phán quốc tế... Việt Nam nên giúp sức định hướng chính sách về BĐKH quốc tế", ông Neefjes nói.
LHQ và các nhà tài trợ quốc tế đã làm việc chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia COP 15, giúp Việt Nam đưa ra quan điểm nhanh chóng hơn trong đàm phán, bởi vì nhiều vấn đề thương lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cụ thể với Việt Nam.
Viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong thời gian tới cho Việt Nam cũng có xu hướng tập trung vào vấn đề BĐKH, chuyên gia LHQ cho biết. Trong khi ODA trên thế giới có xu hướng giảm và chưa rõ có nguồn bổ sung hay không, nhưng là nước dễ bị tổn thương bởi BĐKH, Việt Nam vẫn đủ điều kiện nhận tài trợ. Ngoài ra, còn nhiều cơ chế tài chính đa phương khác như Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ thích ứng, chứng chỉ giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REED).
Trước xu hướng này, Việt Nam cần tích cực cải thiện năng lực để tiếp cận các nguồn tài chính và nhận tài trợ. Ông Neefjes nói: "Việt Nam đã có kinh nghiệm tiếp nhận và quản lý viện trợ quốc tế, song cần tiếp tục củng cố hệ thống ở Việt Nam, đặc biệt là việc quản lý ODA".
Cố vấn LHQ cho rằng, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... cần được tăng cường năng lực điều phối, trách nhiệm giải trình và khả năng thực hiện giải ngân. Ông cũng yêu cầu Việt Nam cần có một ước tính chi phí chống BĐKH đáng tin cậy, trong đó tính toán rõ chi phí đến tay người tiêu dùng và ước tính này phải đúng với quy mô tác động của BĐKH.