Tàn phá môi trường, khai thác bừa bãi và tận diệt rừng đã khiến diện tích nhiều khu rừng phòng hộ ngập mặn ở miền Tây Nam bộ bị suy giảm nhanh chóng. Dự án bảo tồn rừng và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển đang được Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) phối hợp với các đối tác địa phương triển khai nhằm cứu những cánh rừng đang lâm nguy.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những khu vực dễ bị tổn thương do hiện tượng biến đổi khí hậu như nước biển dâng, nhiễm mặn, hạn hán, triều cường, cháy rừng. Do vậy, việc bảo tồn rừng và phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết, nhằm thích ứng tốt với những gì đang và sẽ xảy ra trong tương lai.
Với mục tiêu đó, từ 2008, GTZ đã hợp tác với tỉnh Kiên Giang thực hiện Dự án Kết hợp bảo tồn và Phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và khu vực ven biển Kiên Lương - Hòn Chông, để bảo tồn rừng ngập mặn.
Đánh giá của các chuyên gia GTZ cho biết, cả ba khu vực trên đều có những đặc trưng về đa dạng sinh học và sinh cảnh độc đáo. Tuy nhiên, những đặc trưng quý giá này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác rừng không bền vững.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng, diện tích 148.758 héc ta, là một trong những vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại ở ĐBSCL.
Nhưng tương lai của vườn quốc gia này vẫn là một dấu hỏi lớn khi các nghiên cứu cho thấy, đa dạng sinh học ở đây đang bị giảm sút nhanh chóng do việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cùng với việc can thiệp duy trì mực nước cao hiện nay ở Kiên Giang để phòng chống cháy rừng.
Theo ông Lê Tấn Phong, cán bộ kỹ thuật của dự án, Vườn Quốc gia Phú Quốc rộng 1.125 héc ta, chiếm tới 45% diện tích Phú Quốc, là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á và là khu rừng tràm trên cát rộng lớn. Các khu rừng phòng hộ ven biển ở Kiên Giang là rừng ngập mặn.
Tuy vậy, tình trạng chăn thả gia súc và các khu định cư của người dân ngay bên trong vùng lõi vườn quốc gia đang đe dọa nghiêm trọng sự đa dạng sinh học, các thảm cỏ biển và các rạn san hô của vườn.
Ông Phong nói, hiện nay diện tích rừng tràm trong Vườn Quốc gia Phú Quốc chỉ còn lại khoảng 200 héc ta do tình trạng chặt phá rừng khai thác gỗ bừa bãi của người dân. Còn tại khu vực Kiên Lương - Hòn Chông, nơi được bao phủ bởi nhiều khu rừng ngập mặn, cũng chung số phận bị tàn phá nặng nề bởi tình trạng phá rừng làm ruộng và nuôi trồng thủy sản.
Rừng ngập mặn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ bờ biển và đất canh tác nông nghiệp của người dân các vùng ven biển tỉnh Kiên Giang - nơi có 208 ki lô mét bờ biển.
Trong những năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn đã giảm xuống rất nhanh và đứng trước nguy cơ biến mất trong tương lai nếu không có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Đặc tính của rừng phòng hộ ven biển Kiên Giang là đai rừng rất mỏng, dễ bị mất rừng. Biển của khu vực này là biển bồi, nước không trong vì chứa nhiều bùn, nên có nhiều hải sản sinh sống. Đây cũng là “nồi cơm chung” của dân địa phương.
Nhiều hộ dân sinh sống chung quanh các khu vực ven biển hàng ngày khai thác các nguồn lợi thủy sản (và cả tận diệt bằng cách dùng xung điện), khiến cho hệ sinh thái tài nguyên biển bị cạn kiệt rất nhanh. Cách khai thác của dân cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự bền vững của rừng. Người dân thường đào các ao cắt ngang rừng ngập mặn, rồi chặt phá rừng để nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Mất các dải rừng phòng hộ đóng vai trò che chắn dẫn đến việc nước biển tràn vào bên trong, gây xói mòn, khiến đê biển mỏng dần cùng với hiện tượng xói lở đất khiến nhiều đoạn đê bị nước cuốn trôi.
Bà Sharon Brown, cố vấn trưởng Dự án GTZ tại Kiên Giang, cho biết ở Hòn Đất, dự án của GTZ (do AusAid tài trợ) tập trung vào ba nội dung: trồng rừng ngập mặn, bảo vệ đê biển và trồng vườn ươm cây giúp dân.
Hồi đầu tháng 11, UBND tỉnh Kiên Giang và GTZ phát động chiến dịch trồng cây ngập mặn tại ấp Vàm Rầy, Hòn Đất. Hơn 50.000 cây ngập mặn gồm bảy loài cây bản địa có tác dụng chắn sóng: bần chua, dừa nước, mắm trắng và mắm đen, tràm, vẹm, đước đôi, đã được trồng. Các loại cây này được tập hợp thành một tấm bình phong có tác dụng chắn sóng và giữ đất tại khu vực bị nước biển xâm lấn nghiêm trọng.
Theo bà Brown, dự án sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc cấy trồng các loại cây phù hợp với vùng đất đã bị nhiễm mặn, có khả năng giữ lại các chất dinh dưỡng cho đất. Dự án đang thí điểm trồng 1 héc ta vườn ươm thực vật với bảy loại cây lấn biển chắn sóng, trong đó bần và dừa nước là hai cây chủ lực chắn sóng vòng ngoài nhờ bộ rễ phát triển rất nhanh và giữ đất tốt.
Vườn ươm đang được gia đình ông Tống Văn Ánh chăm sóc như một mô hình mới sẽ được nhân rộng nhằm phục hồi thảm rừng phòng hộ ven biển ở Hòn Đất.