Giám đốc Công ty, TS. Nguyễn Phú Tuân cho biết: đây là dự án Công ty tự bỏ tiền làm mô hình trình diễn công nghệ "Quản lý thủy vực tổng hợp có sự tham gia của cộng động" do chính Công ty nghiên cứu nhiều năm nay.
Giống như phần lớn các hồ Hà Nội, Hồ Văn từng chứa chất trong lòng lớp cặn bã hữu cơ dày tới 1-2 mét do lắng tụ hàng trăm năm nay; tảo độc xuất hiện ngày một dày đặc gây mùi hôi thối chưa có biện pháp nào xử lý hiệu quả. Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội từng tiến hành đề tài "Nghiên cứu xử lý nước hồ Văn" nhưng mới dừng ở việc khảo sát chất lượng nước trong hồ; đưa ra giải pháp nạo vét lòng hồ, xây dựng công trình cấp thoát nước, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi…với kinh phí khoảng 200-300 triệu đồng và 3 tháng thực hiện.
Dựa trên quan điểm đa dạng sinh học, tái lập cân bằng sinh thái; Công ty cổ phần Xanh đã xây dựng quy trình 10 bước cải tạo hồ chặt chẽ. Trong đó việc xử lý nước bằng các chủng vi khuẩn hữu ích thân thiện môi trường, xây dựng cơ cấu động thực vật thủy sinh là hai nội dung đặc biệt quan trọng làm sống lại thủy vực, giúp nước Hồ Văn tự phục hồi, tăng khả năng làm sạch. Các chủng vi khuẩn Bacillus, Lactobacillus không chỉ phân hủy nhanh các chất hữu cơ làm sạch nước, làm sạch vùng đáy hồ, mà còn chuyển hóa các chất hữu cơ thành thức ăn cho cá. Cá trê, cá mè, cá trôi là các động vật được lựa chọn cùng với các loài Thủy trúc, hoa súng, tóc tiên, rau ngổ có khả năng làm giảm kim loại nặng, tổng Nitơ và tổng Phospho trong nước, tạo ra đa dạng sinh học trong hồ và căn bằng hình thái nước.
Tuy nhiên trước đó, việc giảm thiểu mật độ tảo bằng dung dịch LTH-100 (sản phẩm của Công ty được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng "Giải pháp hữu ích" trong xử lý môi trường) và chelate-đồng được tiến hành cẩn trọng. Các loại bột hấp phụ LTH-68 có thành phần cơ bản là các khoáng chất được dùng phổ biến tại các vùng nuôi trồng thủy sản đã hấp phụ cặn bã hữu cơ, các loại khí độc; giảm thiểu hàm lượng gây ô nhiễm trong nước hồ.
"Hồ Văn có vị trí đặc biệt, trước khi xử dụng chế phẩm LTH-100 và chelate-đồng xử lý ô nhiễm, chúng tôi đã phải xử lý thử đối với mẫu nước thải tại khu công nghịêp Quang Minh, nước sông Tô Lịch và Nhà máy Xử lý rác Cầu Diễn" ông Nguyễn Phú Tuân cho biết. Nhưng phải đến khi nhận được kết quả phân tích mầu nước của Viện Công nghệ Môi trường họ mới hoàn toàn yên lòng. Sau 3 tháng xử lý, toàn bộ các chỉ tiêu về BOD5, tổng Nitơ, tổng Phospho đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép; độ pH nằm trong giới hạn; riêng chất rắn lơ lửng, vi khuẩn lam, cholorophylla và mùi đều không còn. Đây là những con số lý tưởng nếu so sánh với kết quả phân tích nước hồ trước xử lý COD 465mg/l; COD5 (20 độ C) 85mg/l, vi khuẩn 87x103….
Từ thành công này, Công ty cổ phần Xanh bắt đầu triển khai quy trình công nghệ "Quản lý thủy vực tổng hợp có sự tham gia của cộng động" cải tạo hồ Ngọc Khánh, hồ Xã Đàn và Hồ Quỳnh. Ngoại trừ hồ Quỳnh có diện tích nhỏ (1ha), hồ Ngọc Khánh, hồ Xã Đàn đều rộng từ 4,5 tới 5,5 ha và hàng ngày tiếp nhận từ 2.000-3.000m3 nước thải. Đối với các thủy vực động như vậy, việc xử lý có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên, mới chỉ bắt đầu hai ba tháng, chất lượng nước các hồ này đã bắt đầu được cải thiện. Đây là 3 trong số 7 hồ Hà Nội đang tiến hành xử lý thí điểm trước khi nhân rộng ra 26 hồ nội thành.
Ông Tuân cho biết, công nghệ xử lý ô nhiễm sẽ phải duy trì thường xuyên, không gây sốc sinh thái mới tránh được hiện tượng tái ô nhiễm. Bởi thế, sự chung tay của cộng đồng, của các cơ quan quản lý môi trường là hết sức cần thiết. Ông Tuân cũng hy vọng công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi, bởi khoản tiền chi phí sẽ thấp hơn nhiều so với các công nghệ "nhập khẩu ".