Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành mối lo chung của toàn nhân loại, các biện pháp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - vốn được coi là một trong những nguyên nhân làm Trái Đất nóng lên được quan tâm đặc biệt.
Trong không ít giải pháp ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, người ta thường nhắc đến các giải pháp cắt giảm và tiết kiệm tiêu thụ năng lượng.
Các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên tưởng như rất nhỏ nhưng lại rất hữu ích như tắt điện mỗi khi ra ngoài, sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện, không để đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh...
Những hành động nhỏ như vậy hoàn toàn không khó khăn gì nhưng lại có thể mang lại lợi ích rất lớn trong việc tiết kiệm năng lượng.
Các nhà khoa học đã tính được trên 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính bắt nguồn từ các phương tiện giao thông.
Để tiết kiệm năng lượng và hạ tỷ lệ đó xuống thì giải pháp trước mắt có lẽ là hạn chế sử dụng xe hơi. Giải pháp tiếp theo là phần của các nhà khoa học là tối ưu hóa công nghệ chế tạo ôtô theo hướng giảm thiểu khí thải như xe chạy bằng điện, nhiên liệu sinh học hay nhiên liệu tái sinh. Tuy nhiên, trước mắt, sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân vẫn là hiệu quả nhất.
Liên quan vấn đề năng lượng, nhiên liệu xanh chế biến từ thực vật như xăng ethanol, methanol hay dầu diesel sinh học được coi là hiện tượng đáng chú ý nhất trong ngành năng lượng hiện nay. Chúng cho phép một số quốc gia giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng như dầu lửa của Trung Đông, hay khí đốt của Nga. Tuy nhiên, kịch bản nhiên liệu sinh học có thể thay thế năng lượng hóa thạch thực sự vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, năng lượng xanh không phải là chiếc đũa thần giúp con người giảm khí thải CO2, đang hâm nóng Trái Đất. Loại nhiên liệu này đang tạo ra những nhu cầu mới về năng lượng, song lại đe dọa trực tiếp đến “nồi cơm” của những thành phần nghèo khó nhất thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), một khi dân số thế giới tăng lên đến 10 tỷ, để đáp ứng cả nhu cầu lương thực lẫn năng lượng xanh, thì phải cần đến một diện tích đất canh tác lớn gấp ba lần Trái Đất.
Căn cứ vào báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được công bố năm ngoái, phải trưng dụng đến 70% đất canh tác của châu Âu mới có thể cung ứng 10% nhu cầu năng lượng xanh của châu lục này. Đó là chưa kể khi năng lượng xanh đe dọa vấn đề an ninh lương thực.
Ngoài ra, giải pháp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà để thu năng lượng mặt trời sưởi ấm trực tiếp cho ngôi nhà cũng đang là một hướng phổ biến.