Hòn Mê là một quần đảo nằm ở phía nam tỉnh Thanh Hóa, cách đất liền 11km, thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, diện tích khoảng 450ha, trong đó đảo chính Hòn Mê có diện tích 420ha, là nơi có tiềm năng đa dạng hệ sinh thái biển.
Theo kết quả điều tra gần đây nhất, xung quanh đảo Hòn Mê có nhiều loài sinh vật biển. Khu vực này có tới 440 loài sinh vật biển thuộc 165 giống, bao gồm 133 loài thực vật phù du, 46 loài động vật phù du, 8 loài rong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô. Tuy nhiên, các rạn san hô đang bị suy thoái, nhiều nơi chỉ còn lại nhóm san hô dạng khối thuộc giống Porites và có độ che phủ không cao. Nhiều loài sinh vật biển cần được bảo vệ, trước hết là nhóm san hô tạo rạn, tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm và một số loài rong biển. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, rừng mưa nhiệt đới trên đảo được bảo tồn khá tốt với độ che phủ cao. Trên đảo có rất nhiều khỉ và một số loài động vật khác như chồn, sóc...
Từ năm 1999, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường đã đề xuất lập khu bảo tồn biển Hòn Mê. Trong nội dung Quy hoạch và bảo tồn các Khu bảo tồn biển ở Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 25/11/2009, sắp tới khu bảo tồn biển Hòn Mê sẽ được thành lập nhằm mục đích để bảo vệ các quần cư và nguồn gien quý hiếm cho vùng biển ven bờ Bắc Trung Bộ.
Hy vọng, trong tương lai không xa, khu vực biển đảo Hòn Mê không chỉ là vùng sinh thái biển giàu đẹp, mà còn trở thành khu tham quan, du dịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Kim Dung (Tổng hợp)