Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Cập nhật: 14/12/2009
Trong những năm gần đây, bảo vệ môi trường là một vấn đề được toàn thế giới quan tâm, đặc biệt là các nguyên thủ quốc gia của các nước và các tổ chức quốc tế.

 1. "Thế kỷ qua đã diễn ra ba quá trình chuyển đổi kinh tế to lớn. Sau cuộc cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng công nghệ và cuối cùng là giai đoạn toàn cầu hóa hiện đại mà chúng ta đang trải qua. Giờ đây chúng ta đang đứng trước cái ngưỡng của một cuộc cách mạng mới đó là kỷ nguyên của nền kinh tế xanh. Sự thật là trái đất đang nóng lên ở khắp mọi nơi và con người là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng đó. Chúng ta cũng đã nghe về những lời cảnh báo: Nếu ngay bây giờ chúng ta không ra tay hành động, thì chúng ta phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng"[1].

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở thủ đô London, Thủ tướng Anh Gordon Brown nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nếu nỗ lực đó thất bại, mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt, mà cũng phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây.

“Đó là nguy cơ về mặt nhân đạo, sinh thái và kinh tế. Nếu không ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, GDP toàn cầu sẽ giảm 20%. Mức thiệt hại kinh tế này lớn hơn tổn thất do hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc khủng hoảng Đại suy thoái gây nên. Chúng ta có thể khẳng định rằng đây là thời điểm có ý nghĩa hệ trọng đối với thế giới của chúng ta”.

Một cuộc trưng cầu gần đây cho thấy 53% người Hàn Quốc coi việc bảo vệ môi trường quan trọng hơn phát triển kinh tế. Có lẽ đó cũng là lý do chính khiến người Hàn Quốc chọn ông Lee- vị chính khách “Xanh”- làm Tổng thống.

2. Theo bản báo cáo về phát triển con người 2007-2008 của UNDP, nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ C, thì 22 triệu người ở VN sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của VN sẽ ngập chìm trong nước biển.
Ông Christophe Bahuet - Phó đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định: Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến 5 nguy cơ lớn: Giảm năng suất nông nghiệp; gia tăng tình trạng thiếu nước; thời tiết cực đoan gia tăng; các hệ sinh thái tan vỡ và bệnh bệnh tật sẽ gia tăng.

Những tác hại của biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động du lịch. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp tới phát triển du lịch thể hiện ở 3 hình thức: tác động đến tài nguyên du lịch (tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn); tác động đến hạ tầng (hệ thống đường xá, sân bay, bến cảng, đường sắt..v.v, hệ thống cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc), các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tác động đến các hoạt động du lịch như: nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và hoạt động lữ hành bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thậm chí các tour du lịch có thể bị hủy do điều kiện thời tiết xấu liên tiếp, bão lụt, lũ quét do biến đổi khí hậu gây ra.

Du lịch là ngành dịch vụ phục vụ con người, sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với môi trường. Sự suy giảm của môi trường đồng nghĩa với sự giảm sút hoạt động du lịch. Vì vậy, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng, cần sự chung tay góp sức của mọi người, mọi ngành, mọi cấp và các tổ chức xã hội bằng nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu chứ không thể phó mặc cho thiên nhiên. Chinh vì vậy, trong những năm qua, ngành Du lịch đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp kinh phí nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và khách du lịch về bảo vệ môi trường, thông qua các " Chương trình phát động môi trường tại các địa phương”; tổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc tập huấn về bảo vệ môi trường du lịch; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về "Bảo vệ môi trường du lịch”; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt Tổng cục Du lịch có trang web "Môi trường du lịch”. Trong năm 2009, Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án cấp Nhãn sinh thái “Bông sen xanh" cho các cơ sở lưu trú tại Việt Nam của Tổng cục Du lịch. Đề án này sẽ nâng cao chất lượng hình ảnh điểm đến Việt Nam, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các cơ sở lưu trú của Ngành.

3. Hiện nay, môi trường du lịch vẫn còn rất nhiều vấn đề nhất là việc bảo vệ môi trường tại các điểm đến du lịch. Nhiều khách du lịch còn kêu ca phàn nàn nhiều vấn đề tại các điểm đến này (điểm tham quan du lịch) và tựu chung lại được viết tắt thành 4B. Đó là bẩn, bẩn ở khắp mọi nơi, từ đường đi, nhà vệ sinh, nơi tham quan, nơi bán hàng lưu niệm, nơi nghỉ ngơi giải khát, nhà hàng... Đó là những thứ khách du lịch nhìn thấy được, còn bên trong không biết có vệ sinh không. Môi trường xã hội cũng tạo ra những bức xúc cho khách du lịch, đó là các hiện tượng đeo bám để bán hàng cho khách, nói thách giá quá cao, hàng hoá không đảm bảo chất lượng và còn tính tiền gian cho khách. Bụi, ở khắp mọi nơi, từ bụi bẩn từ đường xá do xe cộ đi cuốn theo đến bụi do khói xe máy, ô tô thải ra và bụi do đốt các chất thải. Bừa bãi, do không có sự sắp xếp quy hoạch cẩn thận, mọi thứ kể cả rác thải cũng vứt bừa bãi, đâu cũng có thể vứt được. Cuối cùng là Buồn, vì đi tham quan chỉ nhìn ngắm mà không hiểu rõ ngọn ngành, việc thuyết minh tham quan có cũng sơ sài mà không sâu sắc, không tạo ra những ấn tượng để lại cho người tham quan. Đó là tình cảnh mang tính phổ biến của các điểm đến du lịch, trong khi đó điểm đến lại là cốt lõi của hoạt động du lịch.

4. Điểm đến du lịch nằm tại các địa phương, ở nơi đó có chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư sinh sống. Nơi đó có các điều kiện tự nhiên (đất, nước, không khí và cảnh quan), có truyền thống lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng. Đây chính là những nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Gìn giữ nguồn tài nguyên này, trước hết phục vụ cho nhân dân địa phương và sau đó để lại cho thế hệ mai sau. Gìn giữ nguồn tài nguyên này cũng chính là bảo vệ môi trường, xây dựng một địa phương, một điểm đến "Xanh- Sạch -Đẹp", với một bầu không khí trong lành, một không gian yên tĩnh và sạch sẽ, cây cối tốt tươi, chim bay, bướm lượn và những con người hiền hoà, thân thiện với khách du lịch từ khắp nơi trên trái đất đến tham quan và nghỉ dưỡng tại địa phương.

Đó chính là vai trò to lớn và quan trọng của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.                                                                

 


[1] Phát biểu của Tổng thư ký Liên Hiệp  quốc, tại Bali (Inđonexia), năm 2007.

 

Nguồn: TS. Trịnh Xuân Dũng - TCDL