Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn có lợi thế về địa hình sông nước, thích hợp cho du lịch sinh thái. Ở đây, có những vườn cây ăn trái, có những món ăn dân dã và có loại hình đờn ca tài tử, tạo nên nét riêng đặc trưng của văn hóa Nam bộ... và đây là một tiềm năng rất lớn để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay, việc khai thác mô hình du lịch sinh thái tại ĐBSCL đã bộc lộ nhiều bất cập và làm cho sức hấp dẫn vơi đi.
Du lịch sinh thái, du lịch sông nước - đây là một nét riêng của ĐBSCL. Tuy nhiên thế mạnh này đang mất dần sự quan tâm của các nhà tổ chức, kinh doanh du lịch do khâu tổ chức còn khá sơ sài, chưa được đầu tư để tạo dấu ấn trong bức tranh phát triển chung của ngành du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, các mô hình du lịch sinh thái trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách. Các địa phương còn lúng túng, chưa tìm ra được bản sắc văn hóa riêng cho mình, cũng như chưa xác lập để đầu tư cho sản phẩm đặc trưng.
Nhiều công ty tổ chức các tour du lịch sinh thái đến khu vực ĐBSCL đều có chung nhận định, đó là ngoài chợ nổi trên sông, vào vườn bẻ trái cây hay tát nước bắt cá hay nghe đờn ca tài tử thì các điểm tham quan không còn “chiêu” nào để níu chân du khách. Đây là một ví dụ cho thấy phần nào sự nghèo nàn về sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL, vốn được xem là giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Vì thế, du khách đến TP HCM không cần phải chi thêm tiền và thời gian để đến các tỉnh, thành xa hơn mà có thể đến một điểm gần, đi ngắn ngày như Tiền Giang chẳng hạn, là gần như đã khám phá được sản phẩm du lịch của cả vùng đồng bằng.
Thực tế là các tỉnh đang giẫm chân lên nhau trong việc tạo ra sản phẩm du lịch. Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thừa nhận: “ĐBSCL chưa có quy hoạch nên phát triển du lịch na ná giống nhau. Đến nơi này cũng sông nước, sinh thái, đờn ca, nơi khác cũng vậy”.
ĐBSCL có tiềm năng du lịch rất lớn về Du lịch sinh thái, nhà vườn, biển đảo... tuy nhiên việc tổ chức chưa chuyên nghiệp, kinh doanh kiểu “cây nhà lá vườn” đang là một thực trạng mà các điểm du lịch sinh thái ở khu vực này mắc phải. Một trong những nguyên nhân chưa thu hút khách là nguồn nhân lực không ổn định và thiếu đầu tư vào chiều sâu. Các doanh nghiệp làm du lịch quy mô vừa và vì tính chất gia đình nên họ không muốn đưa nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng vì sợ tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Do vậy, ở phần đông những cơ sở tham quan du lịch, đội ngũ chuyên nghiệp vẫn thiếu và yếu, hầu hết chỉ sử dụng lực lượng lao động phổ thông.
Ông Trần Văn Bình, chủ khu du lịch sinh thái Vũ Bình, ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: “Tôi tự làm và chưa liên kết với ai. Cách làm của tôi là tìm những gốc cây đẹp thu hút khách đến tham quan. Tại các khu tham quan, tôi làm những ngôi nhà nhỏ thô sơ bằng cây vườn cho khách nghỉ ngơi. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch cho nhân viên đi tập huấn để phát triển chuyên môn”.
Để đi tìm một hướng đi mới cho du lịch sinh thái hay du lịch miệt vườn ở ĐBSCL, theo nhiều nhà quản lý thì chỉ khi nào có quy hoạch cho lĩnh vực du lịch của cả vùng thì mới tạo nên một luồng gió mới cho sự phát triển. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết trước mắt, nội tại ngành du lịch của các tỉnh và các cơ sở du lịch trong vùng cần phải liên kết với nhau để khai thác thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, mối quan hệ mật thiết giữa các công ty lữ hành tổ chức tour, tuyến và du lịch địa phương sẽ tạo nên sức mạnh và lợi ích cho cả hai bên cùng phát triển.
Trên thực tế các công ty lữ hành rất cần sự hợp tác của du lịch địa phương trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ mới cũng như tổ chức dịch vụ ngay tại điểm đến. Với sự hợp tác này, các công ty địa phương cũng sẽ nắm bắt được nhu cầu thực tế của khách để tạo nên các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Đối với du lịch ĐBSCL để hướng tới bền vững thì cần phải có nét đặc thù. Nếu không có đặc thù thì khó phát triển. Không tạo được sự đặc thù thì khó cạnh tranh”.
Hãy tạo nên sự khác biệt. Đó chính là cảm nhận và mong mỏi của phần lớn du khách khi đến với các điểm du lịch sinh thái ở ĐBSCL. Đây còn là vấn đề mà các nhà quản lý và trực tiếp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch cần suy ngẫm để tìm hướng đi thích hợp cho du lịch miệt vườn ở vùng sông nước Cửu Long.