Kể từ năm 2002, sau trận cháy lớn thiêu rụi gần 4.000ha rừng tràm nguyên sinh tại vườn quốc gia U Minh Thượng, toàn bộ rừng tràm tại đây luôn đầy ắp nước, tính độ sâu thấp nhất cũng 1m, ngay trong thời điểm mùa nắng.
Ban Quản lý vườn quốc gia U Minh Thượng xem đây là một giải pháp an toàn tuyệt đối, nhằm loại trừ nguy cơ cháy tiếp tục. Tuy vậy, điều này đã khiến cho bộ rễ của những cây tràm chẳng những không phát triển, mà còn lâm vào cảnh suy yếu kiệt quệ do bị ngâm nước trong thời gian dài.
Hiện có khoảng 700 đến 800ha rừng tràm tự tái sinh sau 7 năm nhưng cây vẫn khẳng khiu. Một số vạt rừng nổi trên mặt nước trở thành thảm rừng di động, do không bám được rễ vào lớp than bùn.
Riêng đối với khoảng 6.000ha rừng nguyên sinh còn lại, tình trạng cũng không lấy gì làm khả quan, phổ biến là hiện tượng, cây vàng lá đồng loạt và chết khô từ trên ngọn chết xuống, kế đến là tình trạng rừng bị ngã đổ hàng loạt do bộ rễ quá suy yếu không đủ sức giữ cho cây trụ vững.
Đó là chưa kể trong 7 năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư đến cả chục tỷ đồng cho dự án trồng lại rừng tràm, nhưng đều bị thất bại hoàn toàn, do không thể có loại rừng nào phát triển được trong điều kiện ngập nước sâu kéo dài triền miên như vậy.
Dấu hiệu hàng loạt cánh rừng tràm với diện tích lên đến cả ngàn ha tại vườn quốc gia U Minh Thượng đang kiệt quệ dẫn đến chết dần, không chỉ gây bức xúc đối với các nhà khoa học, mà còn tạo ra sự bất bình trong đông đảo nhân dân quanh vùng.
Đã đến lúc các nhà quản lý tỉnh Kiên Giang phải tìm ra giải pháp ngăn chặn, không để làm mất đi một khu vườn quốc gia vốn một thời từng là hậu cứ của cách mạng qua 2 cuộc chiến tranh. Ngày nay, nó được coi là biểu tượng cùa một vùng đất hết sức đa dạng hệ sinh thái, trở thành một trong những lá phổi xanh, cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.