Sự xuất hiện sự cố tràn dầu, khai thác khoáng sản để lại hậu quả nghiêm trọng, khai thác và phá rừng bừa bãi, đánh bắt thủy sản kém bền vững... là những chủ đề được nhiều nhà khoa học được trình bày tại hội thảo “Môi trường đới ven bờ duyên hải miền Trung Việt Nam” do Viện Tài nguyên - môi trường và công nghệ sinh học (Đại học Huế) tổ chức ngày 19/12/2009 tại TP Huế.
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, TP.HCM), từ năm 1992 - 2000 cả nước có 89 vụ tràn dầu, trong đó lượng dầu tràn liên quan đến tàu chở dầu tăng nhanh. Cụ thể, liên quan đến sự cố hàng hải với lượng dầu tràn năm 1995 là 500 tấn, năm 2000 là 1.500 tấn. Từ tháng cuối tháng 1, đầu tháng 2-2007 hiện tượng dầu trôi dạt vào bờ biển đã xuất hiện tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, các tỉnh miền Trung khác.
Trong số đó các tỉnh bị ô nhiễm môi trường từ tràn dầu nhiều như Quảng Nam (746 tấn), Thừa Thiên - Huế (446 tấn), Hà Tĩnh (150 tấn), Phú Yên (90 tấn)...
GS.TSKH Đặng Trung Thuận (Hội Địa hóa VN) chỉ ra cụ thể về sự “tổn thương môi trường” xảy ra tại vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và vịnh Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam - Quảng Ngãi).
GS Thuận cho rằng Vân Phong tuy là vịnh kín gió, nhưng các hệ sinh thái cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng vịnh này là những đối tượng nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương dưới tác động của thiên tai, bão lốc và sóng biển, tại vịnh Chu Lai - Dung Quất khả năng tổn thương môi trường ở đới bờ biển là rất cao, hơn hẳn Vân Phong. Minh chứng rõ nhất sự tổn hại này là những con số thiệt hại rất lớn của hai cơn bão số 9 và 11 năm 2009...