Mô hình du lịch lý tưởng cho các địa phương ven biển

Cập nhật: 22/12/2009
Mới đây, tại TP. Nha Trang diễn ra hội thảo giới thiệu sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) vùng ven biển Việt Nam nhằm quảng bá tiềm năng DLSTCĐ tại các khu vực này. Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và Ban quản lý Dự án “Sinh kế bền vững quanh các khu bảo tồn biển” (LMPA) - đơn vị tổ chức hội thảo, đã kỳ vọng rằng, hội thảo sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho một sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan, nhằm phát triển DLSTCĐ ven biển Việt Nam, tạo nên một mạng lưới DLSTCĐ ven biển vững mạnh, góp phần phát triển cộng đồng, bảo tồn tài nguyên…

Những năm gần đây, thị trường du lịch biển được mở rộng, sản phẩm du lịch không ngừng tăng và được đa dạng hóa. Lượng khách, thu nhập và GDP du lịch, tỷ trọng dịch vụ du lịch trong thu nhập quốc dân tăng hàng năm đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của từng địa phương, từng vùng và cả nước. Trong đó, thu nhập từ du lịch biển chiếm hơn 56% tổng thu nhập xã hội từ du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phần lớn đều tập trung tại các địa phương ven biển với 51,9% cơ sở lưu trú, 60% số phòng; trong đó, khách sạn từ 1 đến 5 sao chiếm 45,5%, đội ngũ lao động du lịch ở vùng ven biển hiện chiếm khoảng 77% tổng số lao động trực tiếp của cả nước.

Theo các chuyên gia du lịch, du khách trên thế giới đang chuyển dần sang khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á với xu hướng yêu thích du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch trải nghiệm. Chính vì thế, du lịch biển nói chung, DLSTCĐ ven biển nói riêng đang đứng trước những cơ hội phát triển. Mặt khác, việc phát triển các sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực các khu bảo tồn biển (KBTB), vườn quốc gia (VQG) ven biển là nỗ lực giảm sức ép của việc phụ thuộc quá mức vào nguồn lợi biển của các cư dân ven biển, đặc biệt trong thời kỳ thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với tài nguyên ven biển. Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc MCD cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển DLSTCĐ như một công cụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường ven biển Việt Nam và phát triển cộng đồng. Trong đó, cộng đồng không chỉ là người hưởng lợi mà còn trở thành đối tác kinh doanh”.

Trong 11 VQG và KBTB Việt Nam, Khánh Hòa có 2 KBTB là vịnh Nha Trang và Khu bảo vệ hệ sinh thái biển (KBV HSTB) Rạn Trào. Từ năm 2006 đến nay, Dự án “Phát triển DLSTCĐ như một sinh kế thay thế nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên” đã được MCD hỗ trợ triển khai tại thôn Xuân Tự (Vạn Hưng, Vạn Ninh). Dự án này đã giúp những người dân quen sóng nước, chài lưới có đủ kiến thức, kỹ năng và tự tin để trở thành những nhà cung cấp dịch vụ du lịch trên chính quê hương mình. Tuy chỉ là một vùng biển rất nhỏ nằm trong vịnh Vân Phong, nhưng các loài sinh vật ở đây rất phong phú, có giá trị đa dạng sinh học và giá trị kinh tế cao. Người dân ở đây xây dựng được các sản phẩm DLSTCĐ với 2 tuyến tham quan và cung cấp các dịch vụ lưu trú tại gia (homestay), hướng dẫn du lịch địa phương, biểu diễn văn nghệ truyền thống, các dịch vụ vận chuyển, tham quan, với các điểm tham quan khá hấp dẫn như: KBV HSTB Rạn Trào, Tu viện Giác Hải, nhà thờ Vạn Xuân, chợ Cá… Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia học nấu các món ăn dân dã, trồng san hô, các hoạt động nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, bảo vệ sinh thái biển… Đặc biệt, nhằm quảng bá hoạt động du lịch tại KBV HSTB Rạn Trào và cung cấp cho du khách những thông tin cần thiết khi đến tham quan khu vực này, ở đây cũng đã xây dựng được cuốn “Cẩm nang hướng dẫn du lịch”. Cẩm nang có phần giới thiệu về KBV HSTB, cách thức tiếp cận, các tuyến tham quan, các điểm đến trong hành trình khám phá cũng như các khuyến nghị và thông tin giá cả dịch vụ dành cho du khách… rất chuyên nghiệp. 

Ở KBTB vịnh Nha Trang, đến thời điểm này vẫn chưa  xây dựng được mô hình DLSTCĐ. Dự kiến, trong chiến lược phát triển 2010 - 2015, tại đây mới phát triển DLSTCĐ thành một hoạt động mang lại thu nhập chính cho hầu hết các khóm đảo trong KBTB vịnh Nha Trang, cải thiện đời sống người dân, giảm thiểu tác động đến nguồn tài nguyên biển trong KBTB.

Ở KBTB vịnh Nha Trang, đến thời điểm này vẫn chưa  xây dựng được mô hình DLSTCĐ. Dự kiến, trong chiến lược phát triển 2010 - 2015, tại đây mới phát triển DLSTCĐ thành một hoạt động mang lại thu nhập chính cho hầu hết các khóm đảo trong KBTB vịnh Nha Trang, cải thiện đời sống người dân, giảm thiểu tác động đến nguồn tài nguyên biển trong KBTB.

Được biết, MCD và LMPA cũng đưa ra những kế hoạch để quảng bá tiềm năng DLSTCĐ tại các khu vực này, đồng thời thu hút sự quan tâm của các bên liên quan với công tác quản lý, phát triển và khai thác sản phẩm du lịch biển, đem lại lợi ích cho người dân tại đây. Mô hình phát triển DLSTCĐ đang được triển khai tại Rạn Trào, sắp tới sẽ triển khai ở KBTB vịnh Nha Trang sẽ là những gợi ý cho các địa phương ven biển trong việc tìm một mô hình mới để phát triển kinh tế cho người dân địa phương và bảo vệ môi trường biển.