Lồng ghép Luật Đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế

Cập nhật: 04/01/2010
Đa dạng sinh học không được phân bổ đồng đều trên bề mặt trái đất mà chỉ có những cái nôi của đa dạng sinh học. Việt Nam rất tự hào nằm trong cái nôi ấy. Những bí ẩn của thiên nhiên vẫn đang tiếp tục được phát hiện.

Hơn 1 thập kỉ qua, khu vực Tiểu vùng sông Mekong đã phát hiện được hơn 1.000 loài. Điều đáng lo ngại là đa dạng sinh học đang đứng trước nhiều nguy cơ. Trên thế giới mỗi ngày có khoảng 150 loài biến mất.

Theo dự báo, nếu tỉ lệ thất thoát đa dạng sinh học vẫn tiếp diễn như hiện nay thì đến năm 2020 trên toàn trái đất sẽ có khoảng 1,3 tỉ ha đất mất hoàn toàn các cấp độ đa dạng sinh học nguyên thủy. Điều này dẫn đến sự mất mát trầm trọng các nguồn tài nguyên thiết yếu cùng với sự kiệt quệ về di truyền.

Ở Việt Nam, hơn 50 năm qua, độ che phủ rừng đã giảm 30% và rừng tự nhiên ở tình trạng nguyên sinh còn dưới 10%. Điều này đi đôi với việc mất đi các loài và tính đa dạng của nó. Việt Nam đang sở hữu danh sách rất dài các loài nguy cấp có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng như: hổ, bò tót, trâu rừng, voi, sao la, đặc biệt là tê giác một sừng hiện nay chỉ còn vài cá thể.

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về ý thức bảo vệ đa dạng sinh học là một trong những ưu tiên hàng đầu của những người làm công tác về đa dạng sinh học. WWF có những dự án dài hơi để có thể lồng ghép hoạt động giáo dục môi trường vào trong các trường phổ thông.

Hiện tại, WWF đang phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng một giáo trình giảng dạy về đa dạng sinh học. Giáo trình này đang được giảng dạy thử nghiệm ở một số tỉnh trước khi đem vào giảng dạy chính thức ở các trường phổ thông. Chúng tôi cũng chú ý giáo dục đa dạng sinh học cho cộng đồng.

WWF cũng đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp xây dựng giáo trình giảng dạy cho sinh viên để khi họ ra trường làm công tác cộng đồng có thể trợ giúp người dân trong việc nâng cao nhận thức về môi trường, biến từ nhận thức thành hành động.

Trong năm quốc tế về đa dạng sinh học, WWF cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng. WWF đang phối hợp với WB để cuối năm 2010 tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ tại Nga.

Theo khảo sát mới đây nhất, cả thế giới còn 3.200 con hổ tồn tại trong tự nhiên. Ngoài ra, WWF cũng đang tiến hành những hoạt động xúc tiến hợp tác giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong để bảo tồn đa dạng sinh học.

Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực ngày 1/7/2009, là một tiến bộ, một thành tích của Việt Nam vì không phải nước nào trên thế giới cũng có được luật này. Tuy nhiên, chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để luật đi vào cuộc sống bởi luật hiện còn rất xa lạ với người dân. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần quan tâm đến việc lồng ghép Luật Đa dạng sinh học vào kế hoạch phát triển kinh tế.

Nguồn: Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)/VOV