Trở lại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang hai năm sau khi Thanh Niên đăng bài báo “Họa mi ở Tây Côn Lĩnh”, mới thấy chạnh lòng cho phận chim quý ở đây: Dường như rừng Hoàng Su Phì đã hết họa mi. Trong khi các hội chim, các tay chơi chim vẫn còn và ngày càng hình thành thêm nhiều đường dây mua bán loài chim này...
Dân chơi hoảng hốt
Đến thăm lại nhà Vương Gia Lâm, chủ tiệm cắt tóc kiêm buôn bán họa mi ở thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì, ông chủ người Hoa nhận ra ngay khách cũ. Anh Lâm kể, sau bài báo ấy, chẳng hiểu sao có nhiều người đến Hoàng Su Phì đi du lịch và mua chim, nên chim ngày càng ít đi. Ở thị trấn bây giờ, còn có cả những người buôn bán họa mi... qua mạng internet; khách hàng đặt mua chim và trả tiền trước, chim sẽ gửi ra Hà Nội, Lạng Sơn và các tỉnh lân cận…
Nhà Vương Gia Lâm bây giờ vẫn còn họa mi nhưng anh phải nuôi thêm chim khướu, chim cu chứ họa mi chẳng còn kiếm được con nào “ngon” nữa. Bởi lý do đơn giản: Người dân tộc giờ xách chim ra chợ để bán, để “tìm khách hàng” chứ không còn những con chọi giỏi, hót hay như những năm qua. Cả phiên chợ huyện, tìm được vài ba người xách lồng chim ra chơi đã khó; bởi vậy nên Lâm cũng chẳng có nguồn mà mua. Ông D., người cao tuổi nhất trong hội chim huyện cũng đã qua đời. Những người biết chơi chim, có nguồn chim đẹp ngày càng hiếm.
Thắng, tay chơi chim năm nào giờ đã học lớp 12, to béo như một dân chơi thành thị chứ chẳng còn hồn nhiên, vô tư đam mê hết mình với loài chim này. Thắng than: “Giờ người dân tộc chỉ có chim xấu xách ra chợ, đổi chim lấy tiền uống rượu chứ chẳng thấy chọi chim hay thi hót nữa”. Thắng bảo, giờ người dân tộc đánh bắt chim theo… số lượng, không chú trọng chất lượng.
Khi Hoàng Su Phì đã hết chim, họ phải đi ra các vùng xa hơn, dùng lưới Trung Quốc đánh bắt đại trà, đánh bắt tất cả các loài chim chứ chẳng riêng họa mi. Mỗi lần giăng lưới như thế, có 3 – 4 người hò hét, xua đuổi chim dính lưới; cứ bắt được con họa mi nào, chẳng kể chim hay – dở, trống – mái đều đem bán được, mỗi con 200.000 đồng không cần biết tương lai chim có hót, có chọi được hay không.
Mai này họa mi có còn hót véo von
Nhiều người hỏi, tại sao chỉ những vùng núi cao như Hà Giang mới có nhiều họa mi? Lý do từ chính đặc tính của loài chim này: Rất thích đánh nhau và chỉ sống một mình - một mình một quả đồi hay một ngọn núi. Họa mi thường sống theo cặp như “vợ chồng”, mỗi vợ chồng ở một quả đồi. Hễ con khác bay qua quả đồi đó là chim chồng phải ra nghênh chiến. Đánh thua là mất vợ, mất đồi, phải vào tận rừng sâu tu luyện tiếp để một ngày nào đó ra “cướp vợ” lại. Bởi lý do đó mà họa mi ngày càng phải kiếm những ngọn núi cao vắng vẻ để sống.
Trước đây, để đánh được con họa mi trống hay, người ta phải chọn những quả đồi cao, đi qua đi lại nhiều lần để “kiểm tra” giọng hót của nó. Biết chính xác con họa mi trống đó ở “độc quyền” quả đồi này, người đánh mới mang họa mi mồi lên; chim mồi hót véo von dụ chim rừng xuống, dính bẫy sập. Đây là một cách đánh kỳ công, đòi hỏi thời gian theo dõi đeo bám dài. Nhưng con chim đánh được sẽ rất chuẩn, đảm bảo sẽ hót hay, chọi giỏi.
Cách đây 2, 3 năm, một con chim hót hay chỉ bán giá khoảng 500.000 – 600.000 đồng; chim chọi hay bán từ 700.000 – 800.000 đồng. Nhưng bây giờ, theo Thắng vì “đồng tiền mất giá, nhiều người mua” nên giá chim đã bị đẩy lên từ 1 – 1,2 triệu đồng/con nhưng cũng chẳng còn nhiều chim hay mà bán. Thắng mới mua một con chim chọi giá 1,6 triệu đồng. Tướng chim rất đẹp, “chọi thắng cả phố” nhưng con này thuộc loại chim “đầu phương” (đầu ít lông do bản tính nhát, thường đâm đầu vô nan lồng nhiều nên lông bị rụng). Chim về tay Thắng, chẳng hót cũng chẳng chọi, chán quá cậu phải bán đi cho một tay trùm buôn chim. Chim về đến người này, lại lập tức đánh hay, hót giỏi. Để biết nuôi chim cũng phải phụ thuộc “tay nuôi”, không phải ai cũng nuôi được con chim chuẩn theo ý muốn.
Tôi đi bộ cả buổi sáng, lùng sục khắp chợ phiên Chủ nhật ở Hoàng Su Phì chỉ gặp đúng một ông già người Mông xách chim đi chợ, ông vừa đi vừa uống rượu. Mới thấy tiếc nuối những ngày đẹp đẽ năm xưa; cả chợ chọi chim, nhà nhà treo chim khắp đầu hồi, vách núi, đi đâu cũng nghe họa mi hót véo von.
Vương Gia Lâm đã từng nói “rất lo tuyệt chủng loài chim này” và có vẻ như nỗi lo đó đang thành hiện thực. Giọng Lâm buồn buồn: “Người mua thì nhiều quá, trong khi họa mi rừng thì không còn, chim cu, chim khướu đã nhân giống được nhưng họa mi thì chưa”.
Theo kinh nghiệm của người Hoàng Su Phì thì họa mi chuẩn phải hội tụ được tiêu chí chân cành đào, mỏ búp đa, mắt xanh, mí dày. Muốn chim đánh hay thì tản đầu phải bự, đuôi phải cân đối. Chim muốn hót hay, hót được nhiều giọng thì phải là chim “già rừng” - con chim đã sống ở rừng nhiều năm, tự luyện hót hay, nhiều giọng lạ. Bởi vậy, chơi họa mi nên chơi theo cặp, dễ thuần giọng hót và dễ nuôi. Họa mi núi ở Hoàng Su Phì thường có những đòn đánh hoang dã hơn gà chọi. Nó có thể kéo chân, bóp mặt, bổ đầu đối thủ, trong đó đòn bóp mặt là ác nhất, nhiều con hư mắt vì đòn đánh này, buộc phải thua…