Bắc Kạn: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dạng sinh học vùng hồ Ba Bể

Cập nhật: 14/01/2010
Xã Nam Mẫu gồm 8 thôn, thì 4 thôn vùng thấp là Cốc Tộc, Pó Lù, Nặm Dài, Bản Cám nằm xung quanh hồ Ba Bể. Do ít đất canh tác nên đa phần những hộ dân sống chung quanh hồ Ba Bể phải mưu sinh thêm bằng nghề đánh bắt cá và nghề cá đã giúp cho họ có nguồn thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo.

Hoạt động khai thác cá ở hồ Ba Bể thường bắt đầu từ hơn bốn giờ chiều đến chập choạng tối. Khi những chiếc xuồng máy chở khách du lịch đã về bến là lúc ngư dân vùng hồ bắt đầu đi thả lưới.

Những chiếc thuyền độc mộc lướt nhẹ trên mặt hồ lặng lẽ thả lưới. Nhìn những ngư dân một tay chèo thuyền độc mộc, một tay thả lưới trong khung cảnh mênh mông, bình lặng của nước, của trời ở vùng sơn cước tạo nên vẻ thơ mộng của Ba Bể - một trong 20 hồ thiên nhiên đẹp nhất thế giới.      

Mỗi ngư dân chọn một vùng thả lưới, các tay lưới được đánh dấu riêng để tránh nhầm lẫn. Lưới thả xuống chập tối hôm trước, tầm ba giờ sáng hôm sau khi mặt hồ còn phủ đặc những màn sương thì họ bắt đầu thu lưới, kịp cho buổi chợ sáng. Hoạt động khai thác cá ở đây khá yên bình, êm ả như chính không gian ở vùng hồ xinh đẹp này.       

Ông Ma Văn Thăng nông dân ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu đã có hơn chục năm lênh đênh trên mặt hồ Ba Bể để đánh bắt cá. Gia đình ông Thăng có gần hai chục tay lưới, thả dọc từ đảo Bà Goá đến đền An Mạ, do đất canh tác ít nên việc mưu sinh trên hồ là thu nhập chính của gia đình ông. Mùa này lạnh cá ít nên mỗi buổi thả lưới ông Thăng thu được 3 đến 5 kg cá mương, bán hết cũng được khoảng 80-100 nghìn đồng. Ông Thăng cho biết thả lưới ở hồ Ba Bể được nhiều cá hay ít cá phụ thuộc vào mùa. Mùa mưa cá ở hồ hoạt động nhiều thì mỗi ngày thả lưới có thể thu được hàng trăm nghìn đồng tiền bán cá, nhất là bắt đầu từ tháng 4 đến khoảng cuối tháng 9, nhưng mùa đông được ít hơn.       

Chính vì đặc điểm này mà hoạt động khai thác, đánh bắt cá ở hồ Ba Bể của các hộ dân cũng rộ lên theo mùa. Tuy nhiên trung bình có khoảng 50 hộ dân thường xuyên thả lưới cá trong khu vực hồ Ba Bể và dọc sông Năng. Lượng cá đánh bắt ở hồ mùa này chủ yếu là cá mương nhỏ, chỉ đủ phục khách du lịch và một vài nhà hàng khu vực hồ. Cá mương được nướng bằng than củi gói vào giấy báo, du khách có thể vừa du ngoạn hồ Ba Bể vừa nhâm nhi thưởng thức hương vị thơm đậm của cá nướng chấm tương ớt trong cái se lạnh của gió mùa ấm hơi nước của hồ giữa núi.       

Bản Pác Ngòi có 80 hộ dân thì có đến 60 hộ tham gia thả lưới vùng hồ Ba Bể. Như vậy cùng với việc khai thác các dịch vụ phục vụ khánh du lịch, như: dịch vụ nhà nghỉ, xuồng chở khách, kinh doanh mặt hàng lưu niệm thì nhờ khai thác tốt nguồn lợi thuỷ sản vùng hồ mà cuộc sống của người dân ven hồ được cải thiện, nâng lên.      

Lãnh đạo xã Nam Mẫu cho biết: Hồ Ba Bể có thể được xem như là một trong những hồ tự nhiên phong phú bậc nhất về đa dạng sinh học cá ở Việt Nam. Có 106 loài cá được tìm thấy ở hồ Ba Bể, thuộc 61 giống, 17 họ và 5 bộ. Cá hồ là một phần quan trọng trong các món ăn hàng ngày của dân địa phương cũng như phục vụ khách du lịch. Hầu như ngày nào cũng có thể thấy hoạt động đánh bắt cá trên hồ được diễn ra với những chiếc thuyền độc mộc truyền thống và những tấm lưới dài gắn phao tre nứa nằm dưới mặt nước vài mét. Hiện nay việc khai thác cá ở vùng hồ được quy định và quản lý khá nghiêm. Hình thức khai thác chỉ được dùng tay lưới tơ và thả ở độ sâu từ 2 đến 3m, nghiêm cấm các hình thức khai thác mang tính huỷ diệt như đánh mìn, xung điện, lưới vét...      

Để hoạt động đánh bắt cá vừa đảm bảo giúp người dân có thêm thu nhập, khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ, đồng thời vẫn bảo vệ đa dạng sinh học, những ngư dân địa phương đã được tập huấn các kỹ thuật đánh bắt ít làm tổn hại đến đa dạng sinh học cá ở hồ và giá trị về đa dạng sinh học của hồ. Cùng với việc nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường, thiên nhiên, đặc biệt là vùng rừng đệm quốc gia Ba Bể.

Việc đánh bắt cá ở hồ Ba Bể có quy định chặt chẽ về loại hình đánh bắt, cỡ mắt lưới ở từng tầng nước phù hợp để cá con không bị mắc mà vẫn bắt những con đã trưởng thành có giá trị hơn. Việc thành lập Hợp tác xã quản lý hồ, bao gồm những người đánh cá từ các cộng đồng quanh vườn quốc gia, vừa giải quyết được công ăn việc làm, vừa có thu nhập ổn định, bền vững, là cơ sở cho sự bảo vệ rừng, bảo vệ sinh thái hồ. Hiện nay, giữa Ban quản lý vườn quốc gia hồ Ba Bể và các địa phương vùng hồ đã ký kết quy chế phối hợp, qua đó giúp cho việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng hồ góp phần xóa đói giảm nghèo cho chính người dân địa phương.

Nguồn: Bộ Tài nguyên & Môi trường