Ngành xi măng: Quy hoạch vỡ vụn - cảnh quan môi trường bị phá vỡ

Cập nhật: 13/01/2010
Trong vòng 12 năm mà 3 lần Thủ tướng Chính phủ ký quy hoạch và điều chỉnh; gần đây nhất là ngày 2/4/2009 tại Thông báo số 114/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát lại quy hoạch XM theo Quyết định 108/2005/QĐ-TTg cho thấy các nhà máy càng về sau càng phá vỡ quy hoạch và đua nhau "bao vây" các đô thị lớn và vùng danh lam thắng cảnh.

Tại thị trấn Kiên Lương và xã Bình An (Kiên Lương, Kiên Giang) có 5 Cty xi măng (XM) đang hoạt động, mỗi năm sản xuất 5 triệu tấn  XM nên hàng chục năm nay thị trấn này được gọi là "thị trấn khói bụi".

Ninh Bình hiện cũng có 5 nhà máy XM đang hoạt động dự kiến đến năm 2010 sẽ có công suất 10 triệu tấn/năm và trở thành một tỉnh có sản lượng XM lớn nhất cả nước. Thế nhưng Ninh Bình với chùa Bái Đính - cố đô Hoa Lư - Khu du lịch sinh thái Tràng An - rừng Quốc gia Cúc Phương... là những khu du lịch danh thắng và tâm linh vào bậc nhất cả nước. Làm sao trên một diện tích chật hẹp như Ninh Bình lại có thể thỏa mãn cả yêu cầu là khu du lịch văn hóa - danh thắng - tâm linh và khu công nghiệp XM lớn nhất cả nước?!

Hà Nam cũng không chịu thua kém ông hàng xóm bên cạnh khi một thôn "cõng" đến 4 nhà máy. Ở đây cũng đang được quy hoạch và hình thành một vùng XM với sản lượng 8 - 10 triệu tấn/năm. Hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh cũng "bội thực" nhà máy xi măng. Riêng huyện Kinh Môn (Hải Dương) có đến 9 nhà máy XM (tại xã Duy Tân có 4 nhà máy XM lò đứng khiến khói bụi của các nhà máy như nuốt trọn cư dân 2 thôn Trại Xanh, Châu Xá)...

Cần hành động quyết liệt khi chưa muộn

Việc bỏ qua các quy chuẩn và tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng, tiêu chuẩn môi trường bắt buộc đã dẫn đến tình trạng có phần "bất ổn" trong việc xây dựng các nhà máy XM. Đối chiếu quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng cũng như theo quy chuẩn tổng mặt bằng của các dự án XM cho đến nay đối chiếu với quy chuẩn xây dựng thì có đến 70% dự án XM được quy hoạch và bố trí đều vi phạm và không đạt yêu cầu, nhất là các dự án trong vài năm gần đây kể cả dự án của nước ngoài đầu tư 100%.

Do tầm nhìn giản đơn, tư duy phiến diện và áp đặt chủ quan dẫn đến quy hoạch vỡ vụn và cảnh quan môi trường bị phá vỡ và rồi dù vô tình hay hữu ý, các nhà quy hoạch và quản lý đã dùng quy hoạch chuyên ngành tiến thẳng vào đầu tư xây dựng tạo nên một lỗ hổng lớn. Cũng do xa rời và không tôn trọng thực tế cuộc sống nên tạo ra những sản phẩm quy hoạch "vô hồn" làm cho nhiều dự án khi thực hiện theo quy hoạch đó đã gây nên những hậu quả xung đột với môi trường và cuộc sống. Chúng ta cần hành động khi còn chưa muộn.

Nguồn: Bộ Tài nguyên & Môi trường