Cổ thực vật 'hoá thạch sống' ở Lâm Đồng: Tài sản vô giá

Cập nhật: 23/02/2010
Rừng Lâm Đồng có giá trị cao về nhiều mặt bởi không chỉ giàu có các loài động - thực vật quý hiếm, nằm trong bảng xếp hạng của sách đỏ của Việt Nam và sách đỏ thế giới, mà còn có giá trị vô cùng đặc biệt nhờ những cổ thực vật đang hiện hữu được ví như những "hoá thạch sống".

Những cổ thực vật "hoá thạch sống" ấy là những loài thông năm lá, thông hai lá dẹt, sồi ba cạnh, thuỷ tùng...

Sinh cùng thời với khủng long
Người ta xem những cổ thực vật này ở Lâm Đồng được sinh cùng thời với khủng long. Ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, hầu như những cổ thực vật sinh cùng thời với khủng long đã bị tuyệt diệt. Những loài “hoá thạch sống” như thông hai lá dẹt, thuỷ tùng, sồi ba cạnh, thông năm lá... đang hiện hữu ở Lâm Đồng và Tây Nguyên hiện chỉ còn ở rất ít một vài quốc gia trên thế giới; đặc biệt, một số loài hiện chỉ mới phát hiện tại Lâm Đồng hoặc tại một vài vùng của riêng Việt Nam.
Trong các loài cổ thực vật “hoá thạch sống” tại Lâm Đồng nói trên, thời gian gần đây, sồi ba cạnh là loài cây được giới khoa học trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm này không chỉ bắt nguồn từ việc phát hiện cổ thực vật sồi ba cạnh là thông tin khá “nóng” (mới phát hiện giống cây này) mà đây còn là thông tin để các nhà khoa học tìm ra mối liên kết nào đó mang tính khu vực giữa Việt Nam với Indonesia và Malaysia về sự phân bố của loài thực vật “hoá thạch sống” tưởng đã bị tuyệt diệt cùng với loài khủng long.
Ở Lâm Đồng, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà vốn đã nổi tiếng về sự đa dạng sinh học càng trở nên nổi tiếng khi thông tin về việc phát hiện tại đây một quần thể sồi ba cạnh được khẳng định và được chính thức phát đi trên các phương tiện thông tin trong thời gian mới đây.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết: Loài thực vật “hoá thạch sống” sồi ba cạnh nói trên được phát hiện tại khu vực đèo Hòn Giao thuộc hai tiểu khu 90 và 91 của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, trong phạm vi bán kính chưa đến 50m có khoảng 20 cây sồi trưởng thành đang hiện hữu, với chiều cao trung bình 20m và đường kính thân cây từ 50 – 70cm.
Theo các tài liệu khoa học, sồi ba cạnh được phát hiện tại rừng Bidoup có tên khoa học là Trigonobalanus verticillata Forman, thuộc chi thực vật có mức độ tiến hoá thấp nhất trong các chi của họ dẻ - chi Trigonobalanus. Đây là lần đầu tiên “hoá thạch sống” sồi ba cạnh được phát hiện tại Việt Nam và là quần thể sồi ba cạnh thứ ba còn sót lại trên thế giới, sau Indonesia và Malaysia.
"Kho vàng xanh"
Một loài cổ thực vật khác của Tây Nguyên và Việt Nam được một số cán bộ khoa học ở Lâm Đồng nhân giống thành công trong thời gian gần đây được nhắc đến là thuỷ tùng – loài cổ thực vật hoá thạch sống của ngành hạt trần. Thuỷ tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensillis, xuất hiện cách nay khoảng 10 triệu năm.
Theo xếp hạng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thì đây là loài cây bị đe dọa ở mức nguy cấp và hiện đang bị săn lùng một cách ráo riết khắp thế giới (vỏ và lá thuỷ tùng có thể cho chiết xuất một số chất để điều chế dược phẩm chữa trị một số bệnh, đặc biệt là ung thư). Ở Việt Nam, thuỷ tùng từng được phân bổ ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Lâm Đồng, nhưng hiện nay chỉ “co cụm” tại Ea Hleo của tỉnh Đắc Lắc, và chỉ với khoảng 150 cá thể.
Điều đáng quan tâm đặc biệt ở những cây thuỷ tùng “hoá thạch sống” này không những ở chỗ chúng không hề có lớp cây kế thừa trên cơ sở tái sinh tự nhiên, mà còn ở chỗ số lượng cá thể hiếm hoi còn sót lại hiện đang bị thoái hoá một cách hết sức nghiêm trọng. Bởi vậy, việc làm thế nào để tạo được giống cây con đối với loài “hoá thạch sống” này là việc làm vô cùng cần thiết, đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học chuyên ngành.
Trên lĩnh vực nghiên cứu tạo giống cây con, trước hết phải kể đến Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng với việc tiến hành giâm cành tạo giống thuỷ tùng được tiến hành từ nhiều năm trước đây, nhưng đáng tiếc là kết quả mang lại không như mong đợi.
Và gần đây, với đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn giống thuỷ tùng bằng kỹ thuật nhân giống in vitro”, một nhóm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Đà Lạt đã bước đầu thành công trong việc tạo cây giống trong ống thí nghiệm nhưng cũng chỉ mới là kết quả bước đầu, chưa thể nói đó là niềm lạc quan trong việc tạo thế hệ kế thừa trong thực tế của loài cổ sinh vật đang đứng trước bờ vực của sự tuyệt diệt rất cao này.
Hai loài thực vật cổ được xem là sinh cùng thời với khủng long hiện có mặt trên vùng rừng Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng – này nữa là thông hai lá dẹt và thông năm lá. chúng được các nhà khoa học xếp ở loài hiếm, mức độ đe dọa có thể bị tuyệt chủng (bậc R) do bị săn lùng của sơn tràng và do môi trường sống là rừng bị thu hẹp.
Với những gì đã phân tích, cho thấy: Lâm Đồng đang sở hữu một tài sản vô cùng lớn về “kho vàng xanh” không chỉ của Việt Nam mà là còn của cả thế giới, với những loài cổ thực vật đang “hoá thạch sống” như trên vừa nêu. Tuy nhiên, thứ tài sản vô giá ấy đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ bởi hầu hết những “sứ giả của thời tiền sử” này đều được xếp loại bậc R – có thể bị đe doạ tuyệt chủng. Bởi vậy, việc định liệu số phận của những “hoá thạch sống” ấy không còn là vấn đề của riêng các nhà khoa học.

Nguồn: Lao động