Quy hoạch cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long: Bỏ rơi dòng Nhuệ Giang!

Cập nhật: 24/05/2010
Vẫn biết, đã có thời “Nhuệ Giang nước chảy quanh co/ Nào ai xuôi ngược con đò em đưa”. Hà Nội đang quy hoạch các công trình để chào mừng ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các dòng sông cũng nằm trong chương trình quy hoạch trọng điểm theo triết lý “mặt nước, cây xanh và văn hóa”. Thế nhưng, đến thời điểm ngày đại lễ đang đến gần, sông Nhuệ dường như bị quên hẳn đi một cách không thương tiếc.

Sông Nhuệ tức Nhuệ Giang, dài khoảng 76km, chảy ngoằn ngoèo gần như theo hướng bắc Tây Bắc - nam Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Điểm bắt đầu của nó là cống Liên Mạc, lấy nước từ sông Hồng trong địa phận huyện Từ Liêm (TP. Hà Nội) và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý khi hợp lưu với sông Đáy gần TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Sông chảy qua các quận, huyện, thị gồm quận Cầu Giấy, Hà Đông huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên và cuối cùng đổ vào sông Đáy ở khu vực thành phố Phủ Lý. Diện tích lưu vực của nó khoảng 1.075km² (phần bị các đê bao bọc). Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua thành phố Hà Đông), sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ vv...

Đáng lẽ, quy hoạch Thủ đô cần phải đặt vấn đề chỉnh trị dòng sông Nhuệ lên hàng đầu. Đây còn là tôn tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch dịch vụ, nó sẽ góp phần tạo ra một hệ thống giao thông mới đa hình thức, đa phương tiện, bảo vệ môi trường đất và nước, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xả rác ra lòng sông. Thế nhưng đến thời điểm này sông Nhuệ bị bỏ rơi, đang bị bồi lắng và ô nhiễm nặng. Bồi lắng và ô nhiễm nặng nề do nước thải công nghiệp và sinh hoạt từ TP. Hà Nội (một phần là do nối với sông Tô Lịch gần Văn Điển), Hà Đông và ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của những người dân sống trong lưu vực của nó. Dòng sông đục ngầu, nước đen kịt, hai bên bờ là “điểm tập kết” rác thải của người dân, mùi xú uế lan tỏa đến từng nhà, phòng làm việc của các công sở. Trong nhiều chiếc ao làng, xác cá nổi lềnh bềnh; nhưng người ta thản nhiên dùng thứ nước đó rửa rau và mang... ra chợ. Theo các nhà khoa học nồng độ oxy của nước sông thấp hơn chuẩn cho phép từ 14 - 26 lần trong khi hàm lượng Amoni vượt quy chuẩn đến 37 lần.

Xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 10km đường bộ, là một xã có làng cổ, có làng nghề truyền thống nhưng những gì người dân ở đây phải gánh chịu thì ngoài sức tưởng tượng. Nguồn nước đó lại được người dân sử dụng để tưới tiêu cho ruộng vườn và hoa màu, nước ô nhiễm ngấm trong đất cộng với rác thải bốc mùi tanh tưởi. Những ai đã từng đến vùng đất này đều phải đưa tay bịt mũi cho dù đang ở trong nhà, ngoài đường hay ngồi trong văn phòng công sở. Dường như người dân ở đây đã quá quen thuộc với cảnh này, toàn xã có hơn 8.000 nhân khẩu thì hầu hết đều sử dụng chung một “hố rác” là lòng sông Nhuệ. Vì lẽ đó, hiện nước sông Nhuệ đoạn qua xã Hữu Hòa đã không còn dòng chảy vì rác thải tù đọng, nước đặc quánh một màu đen kịt.

Ô nhiễm nghiêm trọng nhất là thôn Phú Diễn, tại đây tập trung những hộ dân chế biến bánh đa, làm miến và họ vô tư xả rác thải xuống thẳng dòng sông. Rác thải loại này có mùi hôi thối đặc trưng, lẫn vào trong không khí suốt ngày đêm và lan tỏa ra một vùng rộng lớn. Xã có hơn 30 hộ làm nghề miến dong, bánh đa... với số lượng lớn. Toàn bộ nước thải từ ngâm, tẩy trắng bột, cùng với nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt hằng ngày đều chảy trực tiếp vào hệ thống cống rãnh của địa phương, rồi đổ xuống dòng sông Nhuệ. Nguồn nước đó lại được người dân sử dụng để tưới tiêu cho ruộng vườn và hoa màu, nước ô nhiễm ngấm trong đất cộng với rác thải bốc mùi tanh tưởi. Việc ô nhiễm ở khu vực này đã kéo dài nhiều năm, nguy cơ tiềm ẩn là việc người dân tiếp xúc với tình trạng như thế này sẽ dẫn đến hậu quả bệnh tật, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Trong khi kế hoạch đưa nước sông Hồng vào pha loãng nước sông Nhuệ để giảm ô nhiễm chưa được thực hiện, thì những ngày này, dòng nước đen ngòm của sông Nhuệ lại đang chảy ngược ra sông Hồng. Nhiều người dân sinh sống phía đầu nguồn sông Nhuệ khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này. Hiện tượng ô nhiễm của sông Nhuệ mới thực sự được quan tâm từ năm 2008 khi Sở TN&MT cùng Bộ TN&MT xây dựng đề án tổng thể về bảo vệ sông Nhuệ và sông Đáy. Tuy nhiên cho đến nay, đề án này chưa hề được triển khai dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sông Nhuệ chưa hề được quan trắc, chưa có số liệu về mức độ ô nhiễm cũng như hệ sinh thái ở đây. Việc kiểm tra, đo đạc các chỉ tiêu cần phải làm dự toán, xin kinh phí, chờ duyệt…

Vẫn biết, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã đưa ra các biện pháp để cải tạo môi trường sông Nhuệ là bổ cập nước vào sông để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước, duy trì dòng chảy ổn định, hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường cho khu vực, đặc biệt trong các tháng mùa khô. Cũng được biết thêm, trong năm 2010, Dự án nạo vét sông Nhuệ cục bộ từng đoạn từ km4+460 đến km16 và đoạn từ từ km25 đến km33 sẽ tiếp tục được thực hiện. Cùng với đó là việc nạo vét đoạn từ Liên Mạc (Từ Liêm) đến Lương Cồ (Phủ Lý): dài 53km/74km, nạo vét các sông nhánh La Khê: 6,8km, Duy Tiên: 21km và cải tạo, nâng các hệ thống đê trục chính. Xây dựng phương án điều tiết nước qua cống Liên Mạc bằng hệ thống bơm 2 chiều. Thế nhưng công việc đang bị trì hoãn để nhường chỗ cho các công trình khác nhằm phục vụ ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nên dòng Nhuệ Giang mơ mộng trong thơ vẫn bị bỏ quên một cách đáng tiếc!.

Thành Văn

 

Nguồn: baodulich.net.vn