Đắk Lắk: Phát triển du lịch sinh thái để thu hút du khách

Cập nhật: 02/06/2010
Du lịch sinh thái gắn kết với du lịch văn hóa cộng đồng đang là một nét đặc trưng và cũng là thế mạnh của du lịch Đắk Lắk. Để tạo sự đa dạng trong các chương trình tour cũng như tạo sự hấp dẫn đối với du khách, các cơ quan chức năng, trong đó có ngành VHTTDL tỉnh Đắk Lắk trong nhiều năm qua đã nỗ lực để tạo dựng thương hiệu du lịch Ban Mê nhằm quảng bá đến với du khách trong và ngoài nước. Phóng viên báo Du lịch đã trao đổi với ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk về vấn đề trên.

PV: Đắk Lắk là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch sinh thái, ông có thể nói rõ về nét đặc trưng này?

Ông Phạm Tâm Thanh: Là một tỉnh Tây Nguyên, với cấu tạo địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, thể hiện một sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu vực rừng nguyên sinh góp phần tạo cho Đắk Lắk một tiềm năng du lịch sinh thái đặc sắc với vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ. Đắk Lắk có nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như Thác Dray Sap Thượng, KrôngKma, Thủy Tiên, Dray Nur… nhiều hồ lớn với diện tích 200 - 1.400ha như hồ Lắk, hồ EaNhai, hồ Ea Súp… phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động về du lịch. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia (VQG) và khu bảo tồn thiên nhiên cũng là thế mạnh của du lịch Đắk Lắk, các mô hình du lịch được tổ chức ở VQG Yok Đôn, VQG Cư Yang Sin, các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Ea Sô… đã và đang được các đơn vị tiến hành đầu tư xây dựng và khai thác. Du lịch sinh thái đã góp phần rất lớn trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế và các nhà nghiên cứu khoa học do sự đa dạng của hệ sinh thái ở những khu vực này.

Trong khi đó, cây và trái cà phê cũng là một thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk. Vì thế chúng tôi đang tiến hành tổ chức các tour du lịch khám phá và trải nghiệm về cà phê để đưa vào phục vụ khách du lịch, đây là nét khác biệt nhất của du lịch Đắk Lắk so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã được Bộ VHTTDL chấp thuận đưa vào chương trình Lễ hội quốc gia và được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào dịp kỷ niệm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10/3. Và một điều khác biệt nữa, Đắk Lắk chính là quê hương của voi, vùng Bản Đôn là nơi nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đến đây du khách sẽ được nghe kể về nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng cũng như tham gia các chương trình du lịch trên lưng voi khi đi dạo thăm buôn làng của đồng bào, đi dạo trong rừng hay vượt sông Sêrêpok. Đặc biệt hội voi đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

PV: Thưa ông, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa đang là một nét đặc sắc của du lịch Tây Nguyên. Với Đắk Lắk cần phát huy thế mạnh này như thế nào trong tương lai?

Ông Phạm Tâm Thanh: Du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa đang là một thế mạnh của du lịch Đắk Lắk nói riêng và du lịch Tây Nguyên nói chung. Vì thế, chúng tôi đang và sẽ chú trọng đến việc đầu tư, phát triển kết hợp hai loại hình du lịch này phù hợp với tiềm năng du lịch của mình. Đồng thời hạn chế trùng lặp về sản phẩm giữa các địa phương trong khu vực Tây Nguyên với nhau để đẩy mạnh phát triển du lịch Đắk Lắk nói riêng và du lịch Tây Nguyên bền vững trong tương lai. Do đó, chúng tôi đã có những giải pháp: phát triển du lịch trên cơ sở chú trọng và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương theo hướng du lịch văn hóa, sinh thái kết hợp với phát triển các loại hình vui chơi giải trí, lễ hội... Trong công tác phát triển du lịch luôn chú trọng và kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế, lợi ích văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.

Song song với đó chúng tôi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch và phối hợp với các đơn vị có liên quan bảo tồn các sinh hoạt văn hóa dân gian và khôi phục các làng nghề truyền thống của đồng bào địa phương nhằm tạo được sản phẩm du lịch mới với những nét đặc trưng riêng của du lịch Đắk Lắk. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, tiếp thị du lịch để tăng sức hấp dẫn, thu hút khách, và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Nâng cấp chất lượng các tuyến điểm du lịch hiện có, mở thêm tuyến điểm du lịch mới, phối hợp liên kết du lịch với các tỉnh để nối tuyến du lịch địa phương với khu vực Tây Nguyên, tuyến du lịch quốc gia và quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hùng (thực hiện)

 

Nguồn: baodulich.net.vn