134 triệu USD giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu

Cập nhật: 22/06/2010
Chính phủ Nhật Bản và Pháp đã cam kết chương trình vốn vay ODA trị giá 134 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 18.6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Motonori Tsuno và Trưởng đại diện Văn phòng AFD tại Việt Nam Alain Henry đã ký kết văn kiện thỏa thuận vốn vay này cho "Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu" (gọi tắt là SP-RCC).

Trong tổng số 134 triệu USD, Nhật Bản đóng góp 10 tỉ Yên Nhật (110 triệu USD) và Pháp đóng góp 20 triệu Euro (24 triệu USD).

Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ hai tại Châu Á (sau Indonesia) được Nhật Bản và Pháp cung cấp vốn vay ưu đãi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo Phát triển Con người của UNDP năm 2007 - 2008, với kịch bản nước biển dâng, đến năm 2100, nhiệt độ ở Việt Nam tăng trung bình 2,3 độ C. Do đó, khoảng 22 triệu người hay 1/4 dân số Việt Nam sẽ phải di dời khỏi nơi sinh sống. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập úng hoàn toàn, khiến năng suất nông nghiệp giảm 20%. Bão lụt, ngập úng cũng gia tăng. Bệnh tật, nhất là sốt xuất huyết, sốt rét phát triển mạnh khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tình trạng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu của Việt Nam tăng 11,3%/năm - đứng đầu Châu Á.

Trong bối cảnh này, Nhật Bản và Pháp khởi xướng chương trình SP-RCC. Vốn vay sẽ đổ trực tiếp vào ngân sách nhà nước dựa trên những quyết sách và hành động cụ thể của phía Chính phủ Việt Nam.

Ông Motonori Tsuno - đại diện phía Nhật Bản - nhấn mạnh: "Chương trình SP-RCC không chỉ nhằm hỗ trợ việc thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu" của Việt Nam, mà còn nhằm hoạt động như một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, cũng như giữa các nhà tài trợ với nhau nhằm tăng cường hiệu quả viện trợ trong lĩnh vực này cho Việt Nam".

Còn ông Alain Henry - đại diện phía Pháp - cho biết thêm: "Thông qua chương trình này, AFD sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, giúp tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài (như giá nhiên liệu tăng), đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Hành động chính sách của Việt Nam sẽ phải hướng đến ba mục tiêu chính là Giảm thiểu, Thích ứng và Đa ngành, bao trùm 15 khu vực: Năng lượng, Giao thông, Rừng, Nông nghiệp, Chất thải rắn, Nước sạch, Sức khỏe,...

Huyền Anh

 

 

Nguồn: Báo Lao động