Di tích đang bị vắt kiệt.

Cập nhật: 30/06/2010
Di sản văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra và phát triển. Khi những sản phẩm văn hóa đó trở nên có giá trị, nó sẽ quay trở lại phục vụ con người. Một điểm đặc thù của các khu di tích là gắn với văn hóa. Tuy nhiên, những hoạt động kinh doanh, cải tạo, tu bổ các khu di tích lại chủ yếu chú trọng khía cạnh thị trường mà yếu tố văn hóa và bảo tồn bị xem nhẹ hoặc không được tính đến.

Mải kiếm tiền...

Trong cơ chế thị trường, các khu di tích cũng trở thành nơi dồi dào tiềm năng và đầy khả năng tham gia vào thị trường. Điều này đã làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về việc khai thác, sử dụng khu di tích của cả người dân, các doanh nghiệp và các nhà quản lý.

Trong thời kinh tế thị trường biết khai thác hết mọi tiềm năng địa phương là một điều đáng mừng, kể cả khai thác khu di tích nhằm mang lại lợi ích cho địa phương. Nhưng, cạnh những lợi ích hiển nhiên mà nó đem lại, có không ít những khía cạnh tiêu cực và hạn chế. Chẳng hạn như ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội, hoặc khiến khoảng cách giàu nghèo tăng lên...

Điều đáng nói ở đây là cần hoàn thiện những thể chế và các cơ chế quản lý. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hiện nay không chỉ người dân và người quản lý khu di tích mà ngay cả chính quyền cũng bị lôi cuốn vào các hoạt động kinh doanh. Nếu không có những quy định, những chế tài chặt chẽ, rất khó có thể bảo vệ di tích khỏi tác động xấu của cơn lốc thị trường.

Khi di sản trở thành một nguồn để con người có thể xây dựng và khai thác để đóng góp cho lợi ích xã hội thì nó có vai trò như là một loại tài nguyên. Vì thế, cần có những quy chế, chính sách, quy định việc xây dựng, bảo tồn và khai thác di sản văn hóa như một loại hình tài nguyên, đặc biệt trong sự tác động mạnh mẽ của xu hướng thị trường.

... bỏ quên dân

Các quan điểm bảo tồn cho rằng bảo tồn di tích không chỉ duy trì về mặt kiến trúc, vật chất, mà quan trọng hơn là duy trì được đời sống xã hội của di tích. Giáo sư Paullet Girard, Trường Đại học Toulouse (Pháp) lấy ví dụ về thành phố cổ Bordeaux được bảo tồn, nhưng rất ít người dân địa phương ở lại sinh sống. Dù đã trở thành điểm du lịch, nhưng Bordeaux vẫn thiếu hơi thở của cuộc sống kinh tế địa phương.

Bảo tồn di tích sẽ ra sao khi lịch sử chỉ được coi như là địa điểm để đầu tư, kinh doanh? Sẽ ra sao nếu bảo tồn quá chú ý vào khía cạnh kinh tế mà khía cạnh văn hóa bị bóp méo, khía cạnh xã hội bị biến mất vì thiếu sự quan tâm của chính cộng đồng? Sẽ ra sao nếu di tích không còn hơi thở cuộc sống người dân địa phương, khi truyền thống không tiếp tục cuộc sống của nó trong hiện tại và tương lai? Liệu tình trạng xảy ra với Bordeaux có xảy ra với những di tích của Việt Nam như phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội?

Có nhiều hoạt động bảo tồn do thiếu sự tham gia của cộng đồng nên không thực hiện được (như phố cổ Hà Nội), nhưng cũng có nhiều hoạt động cộng cồng tham gia cũng không mang tính bảo tồn (nhiều cuộc trùng tu diễn ra hiện đã đã phá vỡ cảnh quan vốn có của di tích). Cần có những cơ chế và những quy định cho sự tham gia của cộng đồng.

Cho đến nay bảo tồn di sản văn hóa thường được coi là nhiệm vụ của các nhà bảo tồn, hoặc rộng hơn là của ngành văn hóa. Thực tế, các di sản văn hóa đã được khai thác, sử dụng vì rất nhiều mục đích khác nhau, từ văn hóa, đến kinh tế, tín ngưỡng... nên csẽ có nhiều ngành, nhiều thiết chế tham gia và hoạt động khai thác nó trên cùng một địa bàn. Như di tích Yên Tử có nhiều cơ quan quản lý và khai thác. Trên mặt đất, cây, rừng thuộc BQL rừng đặc dụng quản lý. Tài nguyên than dưới lòng đất thuộc Công ty than quản lý. Ngoài ra, đối với di tích Yên Tử hiện vẫn tồn tại một BQL. BQL đã từng thuộc UNBN tỉnh, rồi UBND thị xã Uông Bí. Nhưng hiện nay bên cạnh BQL lại có Công ty Tùng Lâm, và quyền trực tiếp khai thác lại thuộc về công ty này. Khi việc quản lý, khai thác di tích được thay đổi thì người dân và chính quyền xã hoàn toàn đứng ngoài, không có vai trò, và tiếng nói gì đối với các loại hình tài nguyên của địa phương.

Di tích vốn do người tạo ra. Di tích tồn tại hay không là tùy thuộc con người có nuôi dưỡng nó hay không. Kinh nghiệm ở các nước đã cho thấy việc bảo tồn di tích cần gắn với người dân, cần dựa vào cộng đồng. Vì vậy để cộng đồng đóng vai trò tích cực trong bảo tồn di tích, cần có những cơ chế cho sự tham gia, cần có chính sách cho hoạt động tham gia. Trong lĩnh vực quy hoạch, cho đến nay, đã có những chính sách, quy chế quy định việc tham vấn cộng đồng. Đối với các hoạt động bảo tồn cũng cần có những chính sách, quy chế, tính đến vai trò của các bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng.

 

Quỳnh Hương

 

Nguồn: cinet.gov.vn