TPHCM chỉ còn lại một khu phố cổ nhưng nét cổ cũng không còn. Nhiều di tích đang biến dạng, mất dần trong vòng xoáy của đô thị.
TPHCM từng có những khu phố cổ hình thành trong những năm đầu thế kỷ 19, nằm trên các tuyến đường: Phù Đổng Thiên Vương, Hùng Vương, Lương Nhữ Học... nhưng đến nay chỉ còn lại một đoạn phố cổ vài trăm mét với 16 ngôi nhà cổ nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (ngã tư Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục, Q.5). Tuy vậy, khu phố cổ còn lại này cũng không còn mang nét cổ vốn có của nó.
Khối nhà số 57-59 được trùng tu năm 2000 nên chưa bị xuống cấp, trong khi đó những ngôi nhà cổ thuộc quyền sở hữu tư nhân cũng được sửa chữa, xây dựng lại đã phá vỡ hoàn toàn kiến trúc cổ. Một số khu nhà hiếm hoi được giữ gìn nguyên vẹn bên ngoài nhưng bên trong cũng có dấu hiệu bị hư hại. Tiếng là phố cổ nhưng khách du lịch có tìm đến nơi này cũng khó có thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn một góc phố cổ duy nhất của Sài Gòn. Mặc dù khu phố cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông đã được đưa vào hồ sơ đề nghị xác lập di tích cấp TP nhưng những mét phố cổ hiếm hoi còn lại này vẫn đang ngày càng bị biến dạng theo tốc độ đô thị hóa.
Đau lòng nhất là ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của cụ Vương Hồng Sển để lại (tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q. Bình Thạnh) đang trong tình trạng hoang tàn, xuống cấp nặng. Công luận đã kêu cứu từ bao năm nay nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được quyết định tu bổ, phục hồi của những cơ quan có trách nhiệm.
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TPHCM, xót xa: “Chúng ta có những con phố khá đẹp và có giá trị, lẽ ra phải được giữ gìn và công nhận là phố cổ, như đường Đồng Khởi đoạn đến bến Bạch Đằng. Nhưng con đường này đến nay đã bị biến dạng, nhiều kiến trúc hiện đại đã mọc lên, tòa nhà Vincom cũng chiếm mất hẳn không gian của Công viên Chi Lăng. Không được đưa vào danh sách bảo tồn di tích, những con phố cổ đã trở nên lẫn lộn theo sự phát triển tốc độ của đô thị”.
Bỏ mặc di tích
Bên cạnh đó, nhiều địa điểm với giá trị văn hóa lịch sử lâu đời hoàn toàn có đủ tầm để được công nhận là di tích kiến trúc cổ, nhưng quá trình xây dựng làm mới qua thời gian đã biến những kiến trúc này thành những công trình hiện đại, không gian pha tạp, mất hẳn những giá trị cổ xưa. Trong đề án nghiên cứu di tích thuộc kiến trúc cổ đô thị của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch được công bố mới đây, có 5 công trình kiến trúc nghệ thuật đã bị loại bỏ khỏi danh sách bảo tồn.
Đó là rạp Công Nhân, Cung Văn hóa Lao động, Nhà Thiếu nhi TP, Nhà Truyền thống Thủ Đức và Nhà Trưng bày nhạc cụ dân tộc (số 140D Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Các địa điểm này đều đã bị biến dạng trong quá trình tu bổ, xây dựng mới nên không còn giá trị của một di tích cổ. Riêng Nhà Trưng bày trang phục nhạc cụ dân tộc đã bị xẻ nhỏ cho các hộ dân quản lý. Phần sân cũng bị chia cắt làm không gian quán cà phê, lối đi và các công trình phụ trợ khá lộn xộn.
Sự chậm trễ trong việc lập danh mục di tích kiến trúc cổ để giữ gìn, bảo tồn đã khiến cho những công trình cổ xưa bị xuống cấp, biến dạng trong vòng xoáy của đô thị. Những công trình lớn như nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP, chợ Bến Thành, Nhà hát TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật... cho đến thời điểm này mới được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia cũng là khá muộn màng.
Nhiều di tích chỉ còn tấm bằng
Hàng loạt di tích cấp quốc gia nằm trong nội thành, hiện nay thuộc quyền sở hữu tư nhân, bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai chức năng, xây dựng mới làm biến dạng. Nơi thành lập Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (tại số 88 Lê Lợi, P.Bến Thành, Q.1) thuộc quyền sở hữu tư nhân và lối vào đã bị chiếm dụng bán quần áo và đồng hồ. Nơi thành lập An Nam Cộng sản Đảng (tại số 1 Nguyễn Trung Trực, Q.1) lối lên cầu thang cũng bị hàng quán, lều bạt chiếm dụng làm mất mỹ quan; trụ sở Báo Dân chúng (43 Lê Thị Hồng Gấm) bị phá dỡ hoàn toàn; cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Kỳ cũng bị hư hỏng nặng và hiện trở thành kho chứa hàng hóa của hộ gia đình.
Một số di tích khác còn giữ được nguyên trạng nhưng cũng chết mòn từ bên trong, như: Hầm bí mật in tài liệu Ban Tuyên huấn Hoa vận thời chống Mỹ (Q.5), cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ Vệ quốc đoàn (Q.10), trụ sở phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Q. Phú Nhuận) trước đây cũng từng trở thành địa điểm cho thuê làm nhà kho, nay đã bị biến dạng và hư hỏng nặng... Những địa điểm này chỉ còn lại tấm bằng di tích trên danh nghĩa.