Chưa bao giờ, bức tranh đa dạng sinh học trên toàn thế giới lại u ám như hiện nay. Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của tình trạng tuyệt chủng và suy giảm loài.
Bằng chứng của cuộc khủng hoảng này có thể thấy rõ ở mọi nơi trên thế giới. Tại Anh, một phần ba các loài được ưu tiên bảo tồn và hai phần ba môi trường sống của chúng đang bị suy giảm.
Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, loài Linh miêu Iberia (Lynx pardinus) đặc hữu hiện giảm xuống còn 84-143 cá thể - đang ở mức “cực kỳ nguy cấp”. Còn loài mèo bắt cá (Prionailurus viverrinus) ở Nam Á từng được Sách đỏ của IUCN xếp ở mức “dễ bị tổn thương” nay đã nằm trong danh sách loài “nguy cấp” do các mối đe dọa tới môi trường sống như ô nhiễm, sản xuất nông nghiệp, săn bắn quá mức và khai thác gỗ.
Tồi tệ hơn, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, loài người sẽ không có cơ hội nhìn thấy cá trong các đại dương vào năm 2050.
Mới đây, vào tháng 05/2010, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã phải xác nhận thất bại trong cam kết đưa ra vào năm 2002 về việc giảm đáng kể tỷ lệ suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu vào năm 2010.
Điều này đang gây ra những thiệt hại đáng kể cho thế giới như thiếu lương thực, lũ lụt và thiên tai nhiều hơn, các chi phí tiêu dùng gia tăng….
Nguyên nhân được Liên Hợp Quốc (UN) cho là do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự lây lan của các loài xâm hại.
Thêm nữa, nghiên cứu Kinh tế học về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (TEEB) cũng cho thấy, khoảng một phần ba môi trường sống của Trái Đất đã bị suy thoái dưới tác động của con người. Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, mặc dù nhận thức của loài người ngày càng tăng nhưng nguy cơ hủy diệt tự nhiên vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2008 do chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới - Pavan Sukhdev đứng đầu, ông cũng là người triển khai các sáng kiến về phát triển kinh tế sạch thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Sau Báo cáo Stern (Stern Review) khá nổi tiếng về các hậu quả của biến đổi khí hậu đối với kinh tế, nghiên cứu TEEB về mối liên quan giữa kinh tế và đa dạng sinh học cũng được đánh giá khá cao.
Theo TEEB, tất cả các hoạt động kinh tế toàn cầu đều có mối liên hệ tới thiên nhiên và để ổn định đa dạng sinh học thế giới cần một nền kinh tế xanh dựa trên các giải pháp tự nhiên.
Do đó, TEEB đã đưa ra một loạt những khuyến nghị về cách sử dụng các giá trị kinh tế đối với các hệ sinh thái khác nhau như rừng, đất ngập nước, đại dương… Ngoài ra, TEEB cũng khuyến cáo hạn chế khai thác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc họp về Công ước Đa dạng sinh học hồi tháng 5 vừa qua tại thủ đô Nairobi, Kenya, IUCN đã kêu gọi chính phủ các nước đưa ra một chiến lược “giải cứu” đa dạng sinh học với hy vọng có thể đảo ngược tình thế hiện nay.
Đây được coi là một bước quan trọng trong tiến trình ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng loài. Các quyết định được đưa ra ở Nairobi sẽ là cơ sở khoa học cho những thảo luận tiếp theo tại cuộc họp lần thứ 10 Hội nghị các bên về Công ước Đa dạng sinh học sẽ diễn ra trong tháng 10 tới tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.
“Năm 2010 là một cơ hội tốt để bảo tồn tự nhiên và đưa ra giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, rừng, cỏ biển, cây đước, đầm lầy, vùng đất than bùn có thể hấp thụ cacbon và đóng một vai trò quan trọng trong bảo vệ khí hậu” (Jane Smart, Giám đốc Nhóm Bảo tồn Đa dạng Sinh học của IUCN).