Đồng bộ tiến hành bảo tồn Hoàng thành Thăng Long

Cập nhật: 10/08/2010
Tròn 10 ngày sau sự kiện Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ngày 11/8, phiên họp đầu tiên của Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội được tổ chức ngay tại khu di sản.

Các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành đã đề cập đến việc triển khai ngay những biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, sớm mở cửa đón khách vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tới đây.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, từ nay đến tháng 9, thành phố sẽ tập trung hoàn thành chỉnh trang toàn bộ phần diện tích khu di sản đã tiếp nhận, cùng với đó triển khai thực hiện kế hoạch trưng bày các tư liệu hiện vật, di vật, cổ vật tiêu biểu về Thăng Long-Hà Nội tại khu Hoàng thành Thăng Long theo đề cương đã được phê duyệt để mở cửa đón nhân dân và du khách tới tham quan, tìm hiểu giá trị di sản.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng cần chuẩn bị tốt các điều kiện để mở cửa càng sớm càng tốt khu di sản. Cùng với đó, phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn lâu dài để phát huy giá trị tối đa của khu di sản thế giới.

Bảo tồn di tích trên mặt đất không khó lắm, nhưng bảo tồn di tích dưới mặt đất là cực kỳ khó khăn. Cùng chung quan điểm này, phó giáo sư-tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đề xuất di sản Hoàng thành Thăng Long là tài sản của đất nước, Hà Nội vinh dự đại diện cho nhân dân cả nước gìn giữ di sản đó.

Để làm tốt việc này rất khó, trong khi nguồn nhân lực của Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa-Thành cổ (đang trực tiếp quản lý di sản) lại rất mỏng, thành phố cần xem xét có cơ chế tuyển dụng, cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo trong nước và nước ngoài.

Kinh nghiệm cho thấy, chuyên gia bảo tồn di tích kiến trúc gỗ ở di sản Huế hiện nay rất mạnh trong khu vực. Hy vọng việc bảo vệ phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học của Hoàng thành Thăng Long tới đây cũng sẽ trở thành điển hình của khu vực và thế giới.

Là một người dân sống ở Hà Nội đã 50-60 năm nay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc giữ quan điểm không nên tiến hành “đào” khảo cổ ở khu di sản nữa, kể cả ở khu 18 Hoàng Diệu và Thành cổ, để tập trung cho công tác bảo tồn những di tích, di vật hiện có, làm sao để di tích dưới lòng đất hài hòa với di tích trên mặt đất.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến cần sớm tổ chức hội nghị làm rõ vấn đề quy hoạch khu di sản Hoàng thành Thăng Long (vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp của di sản), để đưa vào Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trước khi Chính phủ phê duyệt. Một vấn đề được các nhà quản lý, nhà khoa học quan tâm là công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di sản.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài đề nghị biên soạn và xuất bản cuốn sách về Hồ sơ di sản Hoàng thành Thăng Long, với nhiều ảnh minh họa để công bố công khai cho toàn dân vì theo ông “dân phải hiểu rõ di sản của mình thì mới yêu và bảo vệ, phát huy giá trị di sản được..."

Các nhà khoa học, nhà quản lý có mặt tại phiên họp cũng tỏ rõ quyết tâm tham gia thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO với Việt Nam. Cụ thể, cần tăng cường và mở rộng việc nghiên cứu khảo cổ về khu di sản Hoàng thành Thăng Long; xem xét việc mở rộng hơn khu vực đệm cho khu di sản và đảm bảo các quy định quản lý đối với các dự án xây dựng tư nhân phải được tuân thủ; thực hiện kế hoạch quản lý tổng thể và đảm bảo các chương trình cụ thể có liên quan phải được thực hiện theo kế hoạch tổng thể.

Bên cạnh đó, các bên cũng bổ sung chương trình giám sát chi tiết cho kế hoạch quản lý tuân thủ các định hướng chung được đề ra trong hồ sơ xin đề cử; đảm bảo xác định rõ trình độ chuyên môn của các cán bộ tham gia công tác bảo tồn khu di sản. Và cuối cùng là quan tâm đặc biệt tới việc giám sát sự gia tăng của khách du lịch được dự đoán là sẽ tăng nhanh trong thời gian tới./.

Hồng Hạnh

 

Nguồn: TTXVN