Biển đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao

Cập nhật: 12/08/2010
Biển đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao cho nên, để bảo vệ môi trường biển, chúng ta cần hành động nhằm mục tiêu phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển - ông Nguyễn Đăng Đạo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam, trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay, môi trường biển nước ta đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy thoái. Môi trường vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt. Thực tế đó đang đòi hỏi một quyết sách để bảo vệ tài nguyên và  môi trường biển. Vậy nhận định và quan điểm của ông về vấn đề nóng này? 

 - Ô nhiễm biển được chia thành hai loại: Ô nhiễm biển từ nguồn đất liền và ô nhiễm từ nguồn biển. Ô nhiễm biển từ nguồn đất liền chiếm đến 60% các nguồn gây ô nhiễm biển.

Tại Việt Nam, các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền chủ yếu bao gồm nguồn thải từ các con sông, thuốc trừ sâu từ các vùng sản xuất nông nghiệp, chất thải đô thị và khu dân cư ven biển (chất thải sinh hoạt, chất thải bệnh viện), chất thải công nghiệp ven biển (khai thác khoáng sản như than, titan, vật liệu xây dựng; nuôi trồng thủy sản; khu công nghiệp ven biển). 

Nguồn từ biển chủ yếu bao gồm hoạt động giao thông vận tải biển, hoạt động khai thác và vận chuyển dầu khí, các sự cố tràn dầu, khai thác và nuôi hải sản, các hoạt động đổ thải và nhận chìm xuống biển, ô nhiễm xuyên biên giới.

Biển đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao. Để bảo vệ môi trường biển, chúng ta cần hành động nhằm mục tiêu phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển. Bảo vệ môi trường biển là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bảo vệ môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng. Phát triển kinh tế biển phải kết hợp chặt chẽ, hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường biển. Đầu tư bảo vệ môi trường biển là đầu tư cho phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường biển là việc làm thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân. Bảo vệ môi trường biển phải trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo; thể chế và pháp luật đi đôi với việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mọi người dân, của toàn xã hội về khai thác, sử dụng hài hòa tài nguyên với bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Trong bảo vệ môi trường biển và hải đảo cần chủ động phòng ngừa, tăng cường bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển, hải đảo; kết hợp với xử lý và kiểm soát ô nhiễm biển, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường biển, đảo; ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả đối với sự cố môi trường, thiên tai trên các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam.

Bảo vệ môi trường biển cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; coi khoa học và công nghệ là công cụ hữu hiệu trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường biển, đảo.

Bảo vệ môi trường biển mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên phải kết hợp giữa phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững; Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hải đảo và phát triển bền vững trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

- Là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam đã và đang triển khai các nhiệm vụ gì để nâng cao hiệu quả việc bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thưa ông?

- Trước hết, tiến hành rà soát, để nghiên cứu xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Về lĩnh vực phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường bờ biển, quy định hướng dẫn việc kiểm soát ô nhiễm biển đối với các hoạt động hàng hải; khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển.

Hai là, xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm biển cấp quốc gia, ngành và địa phương ven biển để ngăn chặn, xử lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển từ nguồn lục địa và nguồn biển trong phạm vi cả nước, ngành và địa phương. Xây dựng kế hoạch tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo hiệu quả; Áp dụng các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường; Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải đối với nguồn lục địa và nguồn biển.

Ba là, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng như xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các dự án khắc phục và cải tạo các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam; bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm tại các vùng biển và hải đảo...

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Năm là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Sáu là, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường biển, đảo.

Bảy là, đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, đảo.

- Một trong những phương cách bảo vệ nguồn lợi, môi trường biển hữu hiệu nhất hiện nay là xây dựng các khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn biển hiện nay vẫn chưa được chú trọng và phát huy, nhiều các khu bảo tồn biển đã được hình thành nhưng vẫn bị con người xâm phạm?. Vấn đề này tuy không mới nhưng cũng chẳng cũ. Vậy, chế tài nào để bảo tồn và phát huy việc bảo tồn này một cách thực sự  hiệu quả, thưa ông? 

- Ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo quyết định này, mục tiêu của giai đoạn 2010 - 2015 là thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển (Đảo Trần, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Hải Vân - Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nam Yết, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Phú Quý, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc). Trước đó, vào ngày 21 tháng 4 năm 2010, khu bảo tồn biển Cồn Cỏ chính thức ra mắt.

Đây là khu bảo tồn biển thứ tư tại Việt Nam. Ba khu vực bảo tồn biển khác đã đi vào hoạt động là Hòn Mun ở Khánh Hòa, đảo Cù Lao Chàm ở Quảng Nam và đảo Phú Quốc ở Kiên Giang. Như vậy, theo kế hoạch, đến năm 2015, 12 khu bảo tồn biển còn lại sẽ đi vào hoạt động, bao phủ một diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển này sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái biển Việt Nam.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính Phủ, mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 là điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và thiết lập, đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.

Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 cũng khuyến khích từng bước đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng dân cư ven biển và hải đảo để quản lý có hiệu quả, bền vững các khu bảo tồn biển.

Ngoài các khu bảo tồn biển như ở trên, nước ta còn có hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước (RAMSA) như Xuân Thủy, Khu dự trữ sinh quyển (Cần Giờ, Cà Mau, Đồng bằng sông Hồng, Kiên Giang, Cù Lao Chàm).

Trong thực tế, ngoài Quyết định số 742/QĐ-TTg, ta đã hoàn chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác quản lý các khu bảo tồn biển như Luật Thủy sản (2003), Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08/3/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thủy sản, Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008 ban hành quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Theo Nghị định số 57/2008/NĐ-CP, Khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (dưới đây gọi tắt là Khu bảo tồn biển) được phân loại thành: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn loài, sinh cảnh; Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh. Các văn bản này là những công cụ phục vụ quản lý các khu bảo tồn biển. Tuy vậy, cũng vẫn cần phải nói rằng công tác quản lý ở các khu bảo tồn biển hiện chưa thực sự đạt hiệu quả cao.

Chỉ một số khu bảo tồn biển đã xây dựng được kế hoạch quản lý. Nói chung, trong các khu bảo tồn biển luôn có người dân sinh sống, nhưng vai trò của cộng đồng tham gia quản lý các khu bảo tồn chưa được phát huy.

Chưa có những quy định cụ thể về vai trò của người dân trong việc tham gia quản lý các khu bảo tồn biển nên việc đóng góp của dân vào quản lý các khu bảo tồn biển còn rất hạn chế.

Hiện tượng dân vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản như đánh bắt trong khu vực vùng lõi, đánh bắt quá mức, tận diệt hoặc bằng các biện pháp hủy diệt như dùng hóa chất, mìn, kích điện... trong khu vực các khu bảo tồn biển vẫn tồn tại.

Trong thời gian tới, phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan tới quản lý các khu bảo tồn biển để các khu bảo tồn biển thực sự phát huy hiệu quả.

- Ngoài những vấn đề trên thì hiện nay biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là mối nguy của toàn cầu, vậy với Việt Nam, Tổng cục Biển & Hải đảo đã có những đề xuất gì để đối phó với tình trạng trên?

- Thông thường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) tại vùng ven biển thường không làm nảy sinh ra các vấn đề mới mà chỉ làm trầm trọng hơn các vấn đề đang tồn tại.

Thí dụ, tại khu vực ven biển nước ta đang có hàng loạt các vấn đề cần được giải quyết như thiên tai có nguồn gốc biển (bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường...), ngập lụt, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, ô nhiễm và suy thoái môi trường... BĐKH và NBD sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề trên.

Các kết quả nghiên cứu cho tới nay đều cho thấy rằng biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng sẽ làm tăng khả năng tổn thương do thiên tai cho toàn nước Việt Nam, đặc biệt là vùng ven biển.

Mực nước biển dâng có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sinh kế và cuộc sống của người dân tại khu vực ven biển. Mức độ ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội của nước biển dâng là rất rộng lớn. Có khả năng là các vùng đất màu mỡ sẽ bị ngập lụt hoặc nhiễm mặn.

Các cánh đồng nuôi tôm, cua có thể phải di chuyển tới những nơi khác. Nghề cá ven bờ có thể biến mất. Các đặc trưng của các khu vực lân cận không bị ngập lụt thường xuyên có thể bị ảnh hưởng và do vậy các khu vực này không còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp.

Thí dụ, công tác cấp nước tưới cho cây trồng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước bị nhiễm mặn. Các vùng cửa sông có thể bị thay đổi do thay đổi chế độ triều và dòng chảy. Đa dạng sinh học của Việt Nam có thể bị suy giảm mạnh và các khu vực sinh cư đặc thù của động vật biển có thể biến mất.

NBD có thể dẫn tới sự suy giảm hay biến mất hoàn toàn của rừng ngập mặn tại các khu vực thấp. Khu vực có rừng ngập mặn càng bị suy giảm càng bị ảnh hưởng mạnh bởi xâm nhập mặn và xói lở, và càng tăng khả năng tổn thương do thiên tai nước dâng bão.

Các đầm lầy ven biển, là khu vực sinh sống của nhiều loài cua cá và chim biển, sẽ bị đe doạ do nước biển dâng. Cũng tương tự như thế, các bãi cát là khu vực các loài rùa biển đẻ trứng có thể bị ngập. Công, nông, ngư nghiệp ven biển có thể biến mất. Nguồn nước ngọt sinh hoạt có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Dân cư sinh sống ven biển dễ bị tổn thương do ngập lụt sẽ phải di dời. Điều này làm tăng áp lực khai thác đất đai và sẽ làm gia tăng nạn phá rừng để làm nhà và trồng trọt. Rạn san hô sẽ bị suy giảm do tăng nhiệt độ nước biển (gây ra hiện tượng bạc mầu của san hô), giảm độ pH (nước biển bị chua hoá), ngập sâu hơn và do sự bùng nổ của các loại tảo độc.

Các công trình trên biển, ven biển cần được tính toán thiết kế lại. Sự tăng nhiệt độ nước và ô nhiễm sẽ làm suy thoái một số hệ sinh thái.

Để có thể ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm thiểu thiệt hại, cần nghiên cứu để có được các đánh giá cụ thể, chi tiết về các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tất cả các khu vực trên toàn dải ven biển và trên toàn bộ vùng biển và hải đảo Việt Nam; Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp thích ứng thích hợp nhất để giảm nhẹ thiệt  hại, xây dựng các chương trình hành động ứng phó với BĐKH và NBD của lĩnh vực biển và hải đảo. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng kế hoạch giải quyết các vấn đề này trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

Xin cảm ơn ông.

  

Hồng Minh (t/h)

Nguồn: vacne.org.vn