Quảng Ngãi báo động ô nhiễm môi trường ven biển

Cập nhật: 13/08/2010
Là một tỉnh nằm ở ven biển miền Trung, với trên 130km bờ biển rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cảng, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và các điểm du lịch ven biển. Tuy nhiên, việc đầu tư, khai thác tiềm năng ven biển ở Quảng Ngãi hiện nay còn nhiều bất cập đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động…
Ô nhiễm từ vùng nuôi tôm và làng cá

 

Có thể điểm qua các vùng đầu tư nuôi tôm ở Quảng Ngãi cho thấy mức độ ô nhiễm về nguồn nước, môi trường khá nặng đã làm cho nhiều người dân sống trong vùng rất bức xúc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 12 vùng nuôi tôm (trong đó có 5 dự án nuôi tôm trên cát), nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng rất yếu kém. Nhiều vùng nuôi tôm hiện nay có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu quan tâm đến môi trường. Đến thăm các vùng nuôi tôm vào những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi thấy nhiều hồ tôm đã xã nước bừa bãi, không có hệ thống xử lý nước thải. Cách làm của các chủ hồ tôm là đầu tư vốn làm hồ, cải tạo hồ, lo con giống và đầu tư kỹ thuật nuôi tôm. Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi tôm chưa được chủ hồ quan tâm, còn ỷ lại, khoán trắng cho nhà nước.

Tại vùng nuôi tôm Phổ Khánh (huyện Đức Phổ) với hàng chục hồ nuôi tôm trên cát nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải từ hồ nuôi tôm thường xuyên xả ra biển, lâu ngày đã gây ô nhiễm trong vùng đáng kể. Ở các xã ven biển Đức Phong, Đức Minh (huyện Mộ Đức) hiện có vài chục hồ nuôi tôm trên cát, nhưng chưa có hệ thống mương, hồ xử lý nước thải. Vừa qua, nhiều hộ nông dân ở đây đầu tư nuôi tôm bằng thủ công, với hình thức “ăn xổi ở thì” nên không đầu tư mương dẫn nước thải.

Có trường hợp chủ hồ tôm xử lý nước thải bằng cách đào một hố sâu trên cát cách hồ vài chục mét rồi đặt ống nhựa cho xả nước thải từ trong hồ ra hố đào để ngấm dần qua tầng đất cát. Cách làm này mang tính tạm thời, không bảo đảm qui trình kỹ thuật đã làm ảnh hưởng mạch nước ngầm cũng như nguồn nước sinh hoạt trực tiếp của người dân. Có hộ nuôi tôm không cần đào hố xử lý nước thải mà ngang nhiên xả nước từ hồ tôm chảy lai láng trên đường đi đã làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhiều người dân ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hà, ở xã Đức Phong nói: Mấy năm trước, khi chưa có hồ nuôi tôm trên cát thì nguồn nước sinh hoạt ở đây rất tốt, nhưng từ khi “phong trào”nông dân đầu tư nuôi tôm mạnh lên đã làm cho mạch nước ngầm kiệt dần và nước sinh hoạt hàng ngày cũng bị ảnh hưởng nhiễm mặn. Có giếng nước trong làng trước đây rất trong, không bao giờ cạn (kể cả tháng hè) thì hiện nay không còn nước để sử dụng…

Rời vùng nuôi tôm, chúng tôi đến thăm một số làng cá ở Quảng Ngãi đã chứng kiến lượng rác thải bừa bãi khá lớn đang gây ô nhiễm môi trường. Tại làng cá Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ)-nơi đang xây dựng cảng cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Thế nhưng, dự án này đã kéo dài gần chục năm nay vẫn chưa hoàn thành. Nhiều hạng mục công trình xây dựng dở dang, gây lãng phí vốn nhà nước. Trong khi đó, hàng ngày có hàng trăm tàu thuyền ra vào cảng tấp nập không nơi bến đậu. Bà con ngư dân ở đây cũng đã biến địa điểm này thành khu chợ mua bán hải sản, hàng hóa. Thế là lượng rác thải từ bến tàu, khu chợ ở làng cá đều vứt bỏ bừa bãi thành đống ngay ven bờ biển xinh đẹp này.

Ngư dân Nguyễn Văn Trung và Bùi Thiện, ở thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh đều bức xúc nói: Hàng ngày lượng rác thải ra bãi biển với khoảng gần chục khối (chủ yếu là chất thải rắn từ xưởng đóng, sửa tàu thuyền và rác thải trong sinh hoạt). Nhưng hệ thống thu gom rác, xử lý nước thải ở cảng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Huỳnh chưa được đầu tư nên hậu quả là người dân chúng tôi bị ô nhiễm môi trường nặng nề. Có gia đình sống gần khu vực mua bán hải sản không chịu nỗi với những đống rác có mùi hối thúi bốc lên thường xuyên buộc phải đóng cửa nhà suốt ngày.

Còn phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em  khẳng định: Nói về ô nhiễm môi trường ở làng cá này là rõ rồi. Bởi vì suốt gần 14 năm, Sở thủy sản Quảng Ngãi (nay là Sở NN-PTNN Quảng Ngãi) đã đầu tư xây dựng cảng cá nhưng đến nay vẫn chưa xong, không có nơi dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngư dân tự hình thành nơi mua, bán hải sản ngay trên bến cảng và rác thải sinh hoạt đã vứt bỏ thường xuyên nơi bải biển, gây ô nhiễm môi trường đang báo động… Tại làng cá Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) - nơi có cảng cá Sa Kỳ và đã hình thành chợ mua, bán hải sản lâu năm, nhưng cho đến giờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất yếu kém. Đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải chưa được đầu tư. Người dân ở đây tự hình thành chợ mua, bán các loại hải sản ngay trên đường đi vừa gây cản trở giao thông, vừa thải rác ra bến cảng đã thành đống.

Hàng trăm hộ dân ở đây đang chịu ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường. Nhiều người đã có đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng ven biển này. Ngoài hai làng cá nêu trên, thì hiện nay vẫn còn hàng chục làng cá trên địa bàn Quảng Ngãi cũng đang ở trong tình trạng bị ô nhiễm môi trường tương tự nêu trên.         

 

Ô nhiễm từ điểm du lịch

 

Trong những ngày hè nắng nóng gần đây, ở các khu du lịch Quảng Ngãi như: Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Thiên Đàng, đảo Lý Sơn và bãi tắm Khe Hai-Bình Thạnh (Bình Sơn), Đức Minh, Đức Phong (Mộ Đức) đã có nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đổ về đây tham quan, tắm biển và thưởng thức những món ăn đặc sản của biển. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tiện ích ở những khu du lịch hiện nay là quá yếu kém. Công tác qui hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh còn bất cập. Các dự án xây dựng khu du lịch đã đầu tư chưa ra ngô, ra khoai.

Một số điểm du lịch do người dân địa phương tự đầu tư bãi tắm, nhà hàng ăn uống tạm thời nên chưa đáp ứng được nhu cầu đối với du khách gần, xa. Điều lo ngại ở các điểm du lịch trong tỉnh là vấn đề vệ sinh-môi trường. Nhiều nhà hàng sử dụng lao động, tiếp viên chưa đạt yêu cầu. Khâu vệ sinh an toàn thực phẩm trong các quán ăn, nhà hàng ở ven biển chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm hiện đang là yếu kém. Nhiều điểm du lịch chưa làm hệ thống xả nước bẩn, không có thùng đựng rác công cộng nên mỗi khi khách ăn, uống thường vứt rác bừa bải ra biển. Nhiều nhà hàng xử lý rác thải, nước thải chủ yếu đào hố ngay bên cạnh quán ăn, nhà trọ hoặc thải luôn ra ngoài bãi biển đã gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Nếu ai đã có lần đến bãi biển Đức Minh, Khe và khu du lịch Mỹ Khê chắc không khỏi ngạc nhiên vì rác thải tràn lan trên bãi tắm…

Đi dọc trên bãi tắm Khe Hai, Mỹ Khê, Thiên Đàng trong những ngày nắng nóng, chúng ta có thể thấy quang cảnh rất đẹp. Đứng nhìn ra khơi là thấy nước biển trong xanh, phía sau là hàng dương rợp bóng mát và khoảng giữa là những nhà hàng, khách sạn khang trang, nhưng du khách lại than vãn: sao rác thải ở đâu mà tấp lên bãi biển này nhiều quá vậy?!. Có điểm du lịch nước bẩn chảy ra đường tràn lan, rác thải sinh hoạt thì vứt thành đống, lâu ngày không ai thu dọn đã gây ra ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng của nhiều hộ dân đang sống trong vùng.

Mới đây, một cán bộ công tác ở văn phòng UBND huyện Sơn Tịnh đưa tôi đến thăm Khu du lịch Mỹ Khê cho biết: Khu vực này có gần 9km bờ biển, đây là khu du lịch đã được hình thành khá sớm của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng hiện nay cơ sở hạ tầng ở đây chưa được đầu tư đúng mức. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã xin tỉnh cấp phép đầu tư khu du lịch này nhưng vẫn đang là dự án “treo”. Nhiều hộ dân trong xã Tịnh Khê đã xin chính quyền địa phương làm quán ăn, nhà hàng tạm bợ để khai thác phục vụ khách du lịch. Do đó, tình trạng nước thải, rác thải vứt lung tung trên bãi biển là điều không thể tránh khỏi, nhưng các cơ quan chức năng còn thờ ơ, chậm vào cuộc.  

Đánh giá về tác động môi trường ở vùng ven biển Quảng Ngãi hiện nay, ông Nguyễn Quốc Tân, Chi cục trưởng môi trường Quảng Ngãi khẳng định: Trong những năm gần đây, tỉnh mới chú ý đầu tư vốn xây dựng cảng, nạo vét luồng lạch cho tàu ra vào đánh bắt hải sản. Còn vấn đề đầu tư đánh giá tác động môi trường ở các làng cá, điểm du lịch là rất hạn chế. Hiện nay hầu hết các làng cá, điểm du lịch trong tỉnh còn yếu về cơ sở hạ tầng. Nhiều làng cá chưa có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân tự hình thành chợ mua bán, chế biến hải sản đã gây nên hậu quả về ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Còn các vùng nuôi tôm trên cát đang là dự báo mức độ ô nhiễm nặng. Vì hiện nay nhiều vùng nuôi tôm đã và đang khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ. Bên cạnh đó, hộ nuôi tôm xả nước thải trực tiếp từ hồ chưa qua xử lý đã làm ô nhiễm môi trường. Người dân trong vùng đang bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt đáng kể…

Rõ ràng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng ven biển Quảng Ngãi đang báo động. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp xử lý, khắc phục để nhân dân trong vùng phòng, tránh những dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.   

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử