“7 S” cho du lịch Bình Thuận

Cập nhật: 13/08/2010
Thực tiễn chứng minh, một điểm đến du lịch đẳng cấp ven biển đều có những yếu tố thể hiện qua những chữ “S” trong tiếng Anh. Đó là: Sea- biển xanh, Sand- cát trắng, Sunshine- nắng vàng, Sky- bầu trời, không gian trong lành, Souvenir product- vật lưu niệm độc đáo của địa phương, Services- phục vụ, dịch vụ tốt, và Space- không gian nghỉ dưỡng, môi trường thân thiện.

Xét “7 S” trên, du lịch Bình Thuận gần như hội đủ những điều kiện để tạo nên thương hiệu cho một điểm đến nổi tiếng. Thế nhưng cho đến nay, ngành du lịch địa phương vẫn còn nhiều vấn đề để hoàn thiện chính mình…

 

Nói đến du lịch Bình Thuận, du khách biết đến như một điểm đến với đặc trưng “Biển xanh- Cát trắng- Nắng vàng”. Lợi thế này cũng được địa phương khai thác triệt để bằng việc thu hút hàng trăm dự án du lịch ven biển. Đặc biệt là tại tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến- Mũi Né hiện có gần 150 cơ sở lưu trú đã đi vào hoạt động, tạo nên một “thủ đô resort của Việt Nam”. Dù còn khá non trẻ, nhưng du lịch Bình Thuận với thế mạnh là khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển cũng được đánh giá có không gian xanh- sạch, đảm bảo mỹ quan và thân thiện môi trường. Trong đó, nhiều cơ sở được đầu tư xây dựng quy mô lớn, tiện nghi sang trọng, dịch vụ chất lượng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu cho đối tượng khách có thu nhập cao. Gần đây, cũng đã có doanh nghiệp mong muốn triển khai đầu tư dự án khai thác bầu trời du lịch Bình Thuận bằng các dịch vụ bay… Có thể nói, với những lợi thế đặc trưng của vùng biển cực Nam trung bộ, ngành du lịch địa phương được ví như “con gà đẻ trứng vàng”!

 

Trong “7 S” nêu trên, chỉ có mặt hàng vật lưu niệm độc đáo của địa phương là chưa được định hình rõ nét. Qua khảo sát mới đây của Sở VH, TT & DL Bình Thuận cho thấy hiện có khoảng 120 hộ gia đình, cá nhân tham gia bán hàng lưu niệm, tạp hóa và các dịch vụ khác. Trong đó tập trung hầu hết là trên tuyến du lịch cao cấp Hàm Tiến- Mũi Né nhưng lại có quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Không phải không có doanh nghiệp nhận ra tiềm năng tiêu thụ của mặt hàng lưu niệm dành cho ngành du lịch ở địa phương. Tuy nhiên những ý tưởng bắt đầu từ những sản phẩm gốm Chăm, hay chế tác từ thổ cẩm của người K’ho đều không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do các mặt hàng lưu niệm của du lịch Bình Thuận chưa có nét đặc trưng, độc đáo riêng mà có thể nhìn là biết, không thể lẫn vào đâu được…

 

Như vậy bằng thế mạnh du lịch biển, ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận tận hưởng khá nhiều chữ “S” mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Dù vậy đến nay, nhiều lợi thế của ngành tại địa phương vẫn còn lãng phí và chưa khai thác thực sự hiệu quả. Chẳng hạn như với diện tích cát lên đến hàng chục ngàn ha phủ kín gần 200 km bờ biển và kề các resort, nhưng hiện vẫn còn là tiềm năng. Một “thiên đường giải trí trên cát” với các trò chơi thể thao đặc sắc như: đua xe địa hình, xe buồm chạy trên cát, đua xe vượt sa mạc… vẫn còn là ý tưởng. Trong khi đó, “tài nguyên bầu trời” của du lịch Bình Thuận mới chỉ dừng lại ở dự án của một số doanh nghiệp ngoài tỉnh. Các dịch vụ bay như khinh khí cầu, tàu lượn đôi, máy bay siêu nhẹ và giải trí với các thiết bị bay khác cũng còn là chuyện sau này… Vậy nên, ở một điểm đến sáng giá trên bản đồ du lịch Việt Nam như Phan Thiết- Mũi Né cần phải có giải pháp khai thác hữu hiệu “7 S” nói trên. Nếu không, du lịch Bình Thuận vẫn chỉ là nơi nghỉ dưỡng đáp ứng những gì ngành đang sở hữu nhưng lại thiếu những cái mà du khách cần đến.

Nguồn: Báo Bình Thuận