Miệt thứ U Minh Thượng

Cập nhật: 17/08/2010
Người Nam Bộ gọi các vùng rừng ngập nước là miệt thứ để phân biệt với miệt vườn. Miệt thứ là xứ tôm, cá sinh cư trong rừng tràm. Rừng tràm miệt thứ khô hạn thì cháy, nhưng ngập nước lâu ngày thì lại …chết – thất tiếc đó lại là câu chuyện đang diễn ra ở U Minh Thượng

Miệt thứ U Minh Thượng

Rừng U Minh nằm ở phía Tây bán đảo Cà Mau, phía Tây giáp vịnh Thái Lan (biển Tây), phía Bắc và Nam bị giới hạn bởi sông Cái Lớn và sông ông Đốc. Rừng U Minh rộng gần 190 ngàn hécta, được chia bởi sông Trẹm thành hai nửa gần bằng nhau: phần phía Bắc là U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, phía Nam là U Minh Hạ thuộc Cà Mau.Rừng U Minh (U Minh Thượng và U Minh Hạ) là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới.Rừng tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn và chủ yếu là loại rừng nguyên sinh. Người Nam Bộ gọi các vùng rừng ngập nước là miệt thứ để phân biệt với miệt vườn. Miệt thứ là xứ cá, miệt vườn là xứ cây ăn trái. Miệt thứ U Minh là vùng rừng tràm sình lầy có gần 20 kênh rạch lớn chảy song song ra Vịnh Thái Lan. Giữa các kênh rạch lớn là hàng trăm kênh rạch nhỏ chằng chịt đầy tôm cá. Khi triều rút, lòng kênh rạch nông và hẹp lại, cá đớp bọt như nồi cơm đang sôi, mỗi năm, U Minh Thượng trước đây cho sản lượng cá đến 5000 tấn.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) U Minh Thượng được thành lập từ năm 1993 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang quản lý, có diện tích 21.800 ha gồm vùng lõi 8100 ha và cùng đệm 13.700 ha. U Minh Thượng được công nhận là vườn quốc gia vào tháng 1 năm 2002, với diện tích 8.053 hécta. Vườn nằm trong địa giới của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng bán đảo Cà Mau.

       

Đặc trưng nhất của khu BTTN U Minh Thượng là tập đoàn cây tràm cừ, có thân cao từ 10 đến 20 m, khá thuần nhất, mọc ngay sau lưng rừng sú vẹt nếu tính từ biển vào. Tập đoàn cây tràm chứng tỏ môi trường nước của U Minh Thượng đã chuyển sang giai đoạn ngọt hoá, sau lịch sử nhiều năm là một vùng đồng bằng trũng ven biển ngập triều. Dưới bóng tràm, có thể gặp một tập đoàn động thực vật đa dạng vào bậc nhất trong số các khu bảo tồn đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học đã thống kê được 205 loài thực vật, 20 loài thú, 33 loài bò sát, 11 loài ếch, 138 loài chim trong đó có nhiều loài quý hiếm như Già đẫy lớn, Già sói, Cò quắm đầu đen, Quắm đen. Ngoài ra còn có các loài Rái cá rất hiếm như Rái cá lông mũi, Rái cá vuốt bé. Ở đây có đến 10 loài cá, trong đó có hai loài ghi trong sách đỏ Việt Nam là Cá trê trắng và Cá còm. Cá là loài đặc sản cực kỳ phong phú của U Minh Thượng. Ngoài hai loài cá trên, còn có thể gặp các loại cá lóc, cá sặc bồng, cá trê, cá rô, cá thòi lòi sống chui rúc trong lớp bùn lỏng.

Trong số 205 loài thực vật U Minh Thượng thì tràm và trâm là hai loài thân gỗ có giá trị cao. Dưới tán của chúng là các loài rau như dớn, choai, súng, rau dừa, rau muống...Người ta còn cho rằng, rừng tràm - do khả năng nhả nước (khả năng bốc hơi nước) rất lớn - góp phầm làm khô hạn đầm lầy và hương Tràm góp phần làm sạch không khí. Dưới thảm rễ tràm là lớp than bùn, nằm cách mặt đất chừng nửa mét và dày từ 2 đến 5 mét. Than bùn ở đây là xác thực vật như sú, vẹt, tràm... bị biến đổi và chôn vùi qua hàng chục, hàng trăm ngàn năm lịch sử địa chất. Ở nhiều nơi, lớp đất than bùn vẫn còn ở dạng lỏng, có trường hợp đã làm người lạc lối bị sa lầy và thậm chí bị chôn sống trong lớp bùn. Các nhà khoa học tính toán rằng, lớp than bùn ở U Minh rộng đến 80 ngàn ha, chiều dày trung bình 2 m. Than bùn có thể được sử dụng làm chất đốt hoặc phân hữu cơ. Nó bẫy giữ một lượng lớn Cacbon và Metan để kiểm soát hiệu ứng nóng lên của khí quyển trái đất. Khai thác và sử dụng nguồn than bùn này,do đó, góp phần đáng kể vào tai họạ biến đổi khí hậu.

 

Rừng tràm khô thì cháy nhưng ngập nước triền miên thì chết.

 

Sự vô ý của con người gây cháy rừng là một nguyên nhân hay gặp nhưng còn một nguyên nhân phổ biến là khả năng tự cháy nếu lớp than bùn bị khô và tiếp xúc với không khí. Các tích tụ (than bùn hay than đá cũng vậy) có khả năng bị oxy hoá từ từ nếu chúng bị khô và gặp không khí. Quá trình oxy hoá sẽ sinh ra nhiệt. Nhiệt được tích tụ trong lớp than làm tăng dần nhiệt độ, đến khi đạt đến nhiệt độ cháy sẽ làm bùng phát ngọn lửa. Khi than bị cháy sẽ xuất hiện các luồng khí mêtan nóng, rất khô, lan toả đến đâu gây cháy đến đó trên đường đi của dòng khí nóng. Cách duy nhất để giữ cho than không bị cháy là phải luôn luôn giữ cho lớp than ẩm ướt.

 

Hiểu rõ nguy cơ này, khu BTTN U Minh Thượng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đào 140 km kênh trục, 120 km kênh chống cháy, nâng cấp 27,4 km đường giao thông. Dự án CARE đã đầu tư trên 2 triệu USD cho các hoạt động nghiên cứu bảo vệ cũng như phòng chống cháy rừng. Phải nói rằng cháy rừng tự nhiên là tai hoạ xưa như Trái đất, đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Nhưng cháy rừng một cách tự nhiên cũng giúp cho việc diệt trừ mầm bệnh làm sạch môi trường cư trú, tiêu diệt các giống loài kém thích nghi và tạo ra các ổ sinh thái mới cho những loài thích nghi có khả năng tái sinh hoặc bành trướng. Trong hoàn cảnh rừng mưa nhiệt đới, khả năng tái sinh hệ sinh thái là rất khả quan. Chỉ cần khoanh nuôi bảo vệ chừng 10 năm là rừng có thể tái sinh được với mức độ đa dạng loài đạt đến 80% rừng tự nhiên, miễn là con người không can thiệp thô bạo.

 

Từ năm 2002, sau trận cháy lớn thiêu rụi gần 4.000ha rừng tràm nguyên sinh tại vườn quốc gia U Minh Thượng, Ban Quản lý vườn tìm cách làm cho rừng tràm ngập nước triền miên để chống cháy, chỗ ngập nông nhất cũng 1m, ngay trong thời điểm mùa nắng. Nhưng do bị ngâm nước trong thời gian dài đã, bộ rễ của cây tràm trở nên suy yếu kiệt quệ. Hiện có khoảng 700 đến 800 ha rừng tràm tự tái sinh sau 7- 8 năm dưới dạng những khóm cây khẳng khiu. Một số vạt rừng nổi như những thảm rừng trôi, do rễ không bám được vào bùn. Khoảng 6.000ha rừng nguyên sinh còn lại sau trận cháy 2002, nhiều cây vàng lá, chết khô từ trên ngọn chết xuống, cây rừng bị ngã đổ hàng loạt do bộ rễ quá suy yếu. Đó là chưa kể trong những năm vừa qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư đến cả chục tỷ đồng cho việc trồng lại rừng tràm, nhưng tràm không thể phát triển trong điều kiện ngập nước sâu kéo dài. Đúng là thái quá bất cập (2).

Nguồn: HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM