- Phóng viên (PV): BĐKH đã và đang hiện hữu rất gần trong cuộc sống mỗi chúng ta, đặc biệt với cộng đồng cư dân ven biển, BĐKH, nước biển dâng nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của họ thưa bà?
- Bà Hồ Thị Yến Thu: Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu thể hiện qua nhiều hình thái như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, v.v…, với sự gia tăng về tần suất và biến động về quy luật xảy ra, gây thêm nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và cuộc sống, đặc biệt với những người dân sống ven biển, nơi chịu nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương nhất trước hiện tượng nước biển dâng và bão tố, ngập lụt.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế sôi động, song là vùng đất thấp ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai, đặc biệt là các thiên tai có nguồn gốc biển.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng 0,5 – 07oC, lượng mưa giảm khoảng 2%, mùa bão thay đổi và các cơn bão có đường đi dị thường, mực nước biển dâng 3mm/năm.
Theo một số báo cáo đã được công bố, với kịch bản mực nước biển dâng lên 1m vào cuối thế kỷ 21, nếu không có biện pháp thích ứng, thì ước tính 5% diện tích đất sẽ bị mất đi do ngập chìm nước biển và 11% dân số sẽ bị ảnh hưởng, trong đó phần lớn là cộng đồng ven biển ở ĐBSCL và ĐBSH. Tương ứng là khoảng 4,3% hệ thống đường bộ và cơ sở hạ tầng, kể cả đê điều, sẽ bị nhấn chìm; 60% diện tích hệ sinh thái đất ngập nước bị ảnh hưởng; 30% số khu bảo tồn thiên nhiên bị ngập mặn; các hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển cũng bị tác động nghiêm trọng.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi biển và cuộc sống của dân ven biển vốn đã phụ thuộc vào thiên nhiên. Có thể hình dung dân sẽ mất đất trồng trọt và cư trú, nghề cá ven bờ sẽ càng suy giảm, các khu vực nuôi trồng hải sản hay diêm nghiệp hiện nay sẽ bị xóa sổ và phải di chuyển, nhà cửa và các công trình sẽ bị bão lũ và xói lở tấn công, v.v…Phải nói là sẽ chất chồng thêm nhiều gánh nặng lo toan hơn nữa lên sự an toàn và đời sống của cư dân ven biển.
- PV: Tuy nhiên, để dân hiểu được đó là những bất thường của BĐKH đang gây ra một cách cụ thể và tường tận là cả một vấn đề không đơn giản, vậy vai trò của MCD với việc làm này như thế nào để nâng cao nhận thức của dân trong các vùng dự án đang triển khai?
- Bà Hồ Thị Yến Thu: Theo tôi, việc này là một điều không dễ dàng. Dường như, chính chúng ta những người có trình độ, có cơ hội tiếp xúc với khoa học, với thông tin hàng ngày, hàng giờ cũng khó có thể hình dung BĐKH ảnh hưởng cụ thể đến đời sống chúng ta ra sao, huống chi là hơn 20 triệu dân ven biển mà ở nhiều vùng miền trình độ dân trí còn hạn chế, phương tiện thông tin không có đầy đủ... Bên cạnh đó, cuộc sống của dân ven biển vốn dĩ đã có nhiều rủi ro và lo toan, liệu họ sẽ tiếp nhận thế nào với những nguy cơ và tác động của BĐKH.
Với những suy nghĩ đó, chúng tôi cho rằng, để nâng cao nhận thức của cộng đồng ven biển về BĐKH, trước hết, cần hỗ trợ trong việc xác định những biểu hiện và tác động cụ thể của BĐKH đối với con người và đời sống ở đó.
Với dân, bà con không nhất thiết phải hiểu cặn kẽ về các kịch bản BĐKH hay những thụât ngữ khoa học chuyên sâu, nhưng chúng ta cần phải giúp họ hiểu được các biến đổi cụ thể về thời tiết, về nhiệt độ, lượng mưa đang và sẽ diễn ra, chỉ ra được tác động của chúng đối với sức khỏe con người, đến lượng thủy hải sản đánh bắt được ngoài biển, đến mùa vụ canh tác lúa màu, đến khả năng tồn tại và sinh trưởng của ngao vạng, tôm, cá trong đầm nuôi, v.v…
Quan điểm của chúng tôi là lồng ghép vấn đề này vào trong tất cả các hoạt động của mình tại các vùng dự án nhằm giúp người dân gắn được kiến thức khoa học vào thực tế đời sống hàng ngày. Chúng tôi phải trông cậy vào các nhà khoa học và các nghiên cứu để có được các dẫn chứng và thông tin, rồi chuyển hóa thành những thông điệp và hình ảnh đơn giản, dễ hiểu để làm rõ vấn đề mình muốn truyền đạt và thu hút cộng động quan tâm tìm hiểu và hành động.
- PV: Nâng cao nhận thức cộng đồng và giúp cộng đồng ứng phó BĐKH là một bài toán nan giải. Nhưng, với một tổ chức có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng, MCD đã hành động như thế nào, cụ thể trong việc quản lý tài nguyên biển dựa vào cộng đồng ra sao?
- Bà Hồ Thị Yến Thu: Quan tâm đến ứng phó BĐKH là một chủ đề từ lâu đã được MCD áp dụng lồng ghép cho các dự án bảo tồn biển và phát triển cộng đồng ven biển mà MCD triển khai tại các địa phương.
Chúng tôi hiểu rằng, hoạt động tăng cường bảo tồn các hệ sinh thái biển như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, chính là góp phần giảm thiểu các nguồn gây BĐKH và duy trì được các giá trị hệ sinh thái phục vụ lâu dài cho đời sống con người.
Ví dụ, mỗi mét vuông cỏ biển có thể tạo ra 10 lít oxy hoà tan, góp phần cân băng ôxy và các-bo-nic trong nước và làm giảm hiệu ứng nhà kính khi hấp thụ CO2 vào nước; còn mỗi hecta rừng ngập mặn có thể hấp thụ khoảng 14 tấn CO2/năm.
Đồng thời, các mô hình phát triển sinh kế bền vững cho dân ven biển, giảm thiếu đánh bắt thủy hải sản theo phương thức hủy diệt, khai thác gián tiếp nguồn lợi biển, là góp phần tăng sức đề kháng cho người dân ven biển trước các biến đổi của thiên nhiên, môi trường và giúp họ đứng vững hơn trước rủi ro.
MCD đã triển khai một số mô hình dài hạn về quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng kết hợp với cải thiện sinh kế cho dân ven biển ở đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung.
Thực tế, sau một thời gian, những nơi mà mô hình được xây dựng và duy trì như Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam và một số tỉnh ven biển khác đã có những tác động tích cực rõ rệt.
Lấy ví dụ những hoạt động của MCD tại khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy có tổng diện tích 15.000 ha thuộc huyện Giao Thuỷ (Nam Định), nằm trong khu vực bờ biển ngay nơi sông Hồng đổ ra biển tại cửa Ba Lạt.
Đây là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc thù của khu vực ven biển châu thổ sông Hồng, có đa dạng sinh học cao với nhiều loài sinh vật quý hiếm và được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Trong quá khứ, diện tích rừng ngập mặn ở đây bị tàn phá nghiêm trọng do sức ép khai thác, chặt phá rừng kiếm sống và làm đầm nuôi hải sản của cộng đồng dân cư.
Trong năm 2004-2006, MCD hỗ trợ chính quyền và ban quản lý VQG nâng cao nhận thức cộng đồng các xã vùng đệm của VQG Xuân Thủy, đặc biệt là xã Giao Xuân, về việc bảo vệ rừng ngập mặn, giảm thiểu khai thác hải sản tự nhiên bằng phương thức hủy diệt.
Khi nhận thức của dân được nâng cao thì đồng thời với việc phải cùng họ giải quyết vấn đề sinh kế như thế nào để giảm áp lực khai thác lên môi trường và tài nguyên. Trong bối cảnh đó, từ năm 2006 đến nay, MCD phát triển các mô hình như mô hình cộng đồng nuôi trồng thủy sản bền vững; mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; mô hình cộng đồng kinh doanh và đa dạng hóa sinh kế…
Mục tiêu của các mô hình là giúp dân ở đây có thêm hiểu biết và kỹ năng, khai thác nguồn lợi biển một cách hợp lý và lâu bền, để có cuộc sống ổn định và đủ năng lực chống chọi với những biến động của thiên nhiên và xã hội.
Cho đến đầu năm 2010, nhóm nuôi ngao bền vững và nhóm du lịch sinh thái Giao Xuân đã vận hành tốt và thu được lợi ích rõ ràng, hiện hai nhóm đang hướng tới hình thức hợp tác xã để nâng tầm quy mô và tác động tại địa phương. Kết quả ban đầu là rừng ngập mặn và môi trường biển được gìn giữ, và sinh kế của dân thì đã có hướng đi đa dạng hơn.
Tuy những mô hình của MCD mới ở quy mô nhỏ, chưa phải đã hoàn thiện và chưa thể giải quyết triệt để vấn đề môi trường và phát triển ở vùng ven biển, song được sự ghi nhân của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Chúng tôi mong rằng, nhà nước và các địa phương quan tâm tạo điều kiện để có thể nhân rộng.
- PV: Cộng đồng dân cư ven biển sẽ là nạn nhân chính của BĐKH và nước biển dâng, song đồng thời, họ cũng lại là một thủ phạm chính gây nên ô nhiễm môi trường biển và cạn kiệt tài nguyên biển. Theo bà, có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?
- Bà Hồ Thị Yến Thu: Con người đúng là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm môi trường sống của mình và cạn kiệt nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên, việc làm ô nhiễm môi trường biển và cạn kiệt tài nguyên biển thì không chỉ do dân sống ven biển đâu, mà còn do nhiều tác nhân khác như các hoạt động khai thác và sản xuất ở đất liền, ở đầu nguồn dòng chảy, các hoạt động công nghiệp, giao thông, du lịch, đô thị, khai thác biển, v.v..., hết sức sôi động ở dọc bờ biển và ở ngoài khơi.
Bởi vậy, để giải quyết ô nhiễm biển và cạn kiệt nguồn lợi biển thì cần có biện pháp tổng hợp và toàn diện, với quan tâm xứng đáng tới người dân sinh sống ở vùng biển.
Đối với cộng đồng ven biển, trước tiên nên giúp họ nhận thức được sự phụ thuộc mật thiết giữa miếng cơm manh áo hàng ngày của họ với tình trạng của môi trường và nguồn lợi biển.
Chúng ta có thể chỉ ra cho họ thấy 1km2 rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản tương đương với 10.000 dollar Mỹ, 1km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp khoảng 450 kg hải sản, mỗi năm hệ sinh thái cỏ biển cho ta lượng thuỷ sản và các dịch vụ có giá trị trên 20 triệu dollar Mỹ.
Và gần gũi hơn nữa, rạn san hô bị tàn phá thì mẻ cá đi biển của ngư dân sẽ vơi đi, nước biển ô nhiễm thì nuôi tôm cua ngao vạng sẽ dịch bệnh và thua lỗ; rừng ngập mặn mất đi đồng nghĩa với xói lở và mất đất đai, nhà cửa, v.v...
Song song với nâng cao nhận thức, cần có chương trình dài hơi để hỗ trợ người dân phát triển sinh kế thân thiện môi trường, tổ chức cuộc sống và sản xuất một cách phù hợp có tính đến những rủi ro của thiên tai, của biến động xã hội, và gìn giữ phục hồi các hệ sinh thái biển. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bên như nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và lấy cộng đồng dân cư làm trọng tâm và chủ thể.
Những mô hình mà MCD đang triển khai ở các vùng ven biển cho thấy dân hoàn toàn có thể thay đổi và thích ứng, song họ rất cần được hỗ trợ một cách bài bản và cam kết của chính phủ và các bên.
Các chương trình quốc gia như bảo tồn biển, quản lý tổng hợp biển và hải đảo, là rất phù hợp và cần triển khai sớm với sự tham gia của nhân dân vùng biển. MCD chúng tôi sẵn sàng cùng tham gia công sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp đó.
- PV: Xin cảm ơn bà.