Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề bền vững, thân thiện môi trường

Cập nhật: 20/08/2010
Ngày 19/08 Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chủ trì phiên họp tập thể UBND TP tháng 8, xem xét một số vấn đề thuộc thẩm quyền về bảo tồn và phát triển làng nghề và quy hoạch giáo dục - đào tạo.

Thảo luận về Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội (Sở Công thương trình bày), đa phần ý kiến cho rằng, ngày nay Hà Nội đã trở thành"đất trăm nghề" với những địa danh và con người đi vào lịch sử nên việc phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn TP còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hệ thống hạ tầng chưa đạt yêu cầu, hệ thống cấp thoát nước chưa đồng bộ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, nguồn nguyên liệu tại chỗ đáp ứng ở mức độ rất hạn chế... Chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Do vậy, việc xây dựng Đề án là cần thiết để có giải pháp nhanh chóng thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở phát triển hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng địa phương, tránh sự mai một do nhiều nguyên nhân.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo lưu ý, cần phải xác định rõ những làng nghề có giá trị cần bảo tồn, để từ đó có xây dựng quy hoạch cơ sở phát triển nghề, làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường gắn với du lịch và sử dụng nguồn lao động tại chỗ. Trong đó, đặc biệt, chú ý đến việc tổ chức lại một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hình thành một lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật cao, có trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, tiếp thị, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại... Đề án phải nêu rõ hướng đầu tư đồng bộ từ việc đào tạo trình độ quản lý, trình độ tay nghề gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường làng nghề và phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch;cụ thể hóa thời gian và phân kỳ thực hiện.
Chủ tịch TP nhấn mạnh, phải xác định rõ những làng nghề có giá trị cần bảo tồn, để từ đó có xây dựng quy hoạch cơ sở phát triển nghề, làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường gắn với du lịch và sử dụng nguồn lao động tại chỗ.
Cùng ngày, phiên họp đã cho ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo, đây là những Đồ án Quy hoạch đầu tiên sau khi Hà Nội mở rộng. Thông tin mới tại hội nghị, khi xét trường học đạt chuẩn quốc gia, không tính yếu tố diện tích đối với trường học xây dựng trước năm 2000, mà lấy chất lượng làm đầu để xem xét…
Hội nghị cũng thông qua tờ trình về việc thành lập Quỹ Phát triển đất thành phố Hà Nội, là cơ quan sự nghiệp hoạt độngcó thu, tạo điều kiện hỗ trợ phục vụ cho công tác GPMB đối với các dự án thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước và TP.

Nguồn: Báo điện tử Kinh tế & Đô thị