Trả lại màu xanh cho “mắt ngọc” Thủ đô

Cập nhật: 25/08/2010
Hà Nội là một trong những Thủ đô có nhiều ao, hồ nhất trên thế giới (gồm 112 hồ với tổng diện tích là 1.165ha). Đáng buồn là phần lớn các ao, hồ ở Hà Nội đều đang bị ô nhiễm với mức độ khác nhau

Chính vì lý do trên, việc khởi động Đề án “Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của đông đảo người dân và doanh nghiệp.

Gấp rút hoàn thành giai đoạn 1

Đến nay, Hà Nội cải tạo được 46 hồ: xây dựng kè đá, làm đường dạo, hệ thống thoát nước mưa… 21 hồ khác đang triển khai. Còn 45 hồ chưa có dự án cải tạo. UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì thực hiện Đề án “Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội” bằng nguồn vốn xã hội hóa. Theo đó, Đề án được thực hiện từ nay đến năm 2015, chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 cải tạo 11 hồ với kinh phí dự kiến là hơn 300 tỉ đồng đồng; giai đoạn 2 cải tạo 8 hồ với kinh phí dự kiến hơn 340 tỉ đồng; giai đoạn III dự kiến cải tạo 22 hồ với kinh phí dự kiến trên 800 tỉ đồng.

 

Hiện tại, Đề án đang thực hiện ở giai đoạn 1. Đã có 3 hồ hoàn thành và được gắn biển công trình chào mừng 1.000 Thăng Long - Hà Nội (hồ Thạch Bàn 1, Thạch Bàn 2, Hào thành cổ Sơn Tây). Còn 8 hồ đang thi công là: hồ Vục, hồ Đầu Băng, hồ Tư Đình, hồ Vả, hồ Sen, hồ Ao cá Bác Hồ, hồ Đầm Khê, hồ Phương Liệt II. 

Hồ Thạch Bàn 1 và 2 (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) sau khi cải tạo đã trở thành một điểm nhấn về cảnh quan văn hóa ở khu vực này. Chỉ trong thời gian rất ngắn (từ 20/4 - 30/6/2010), Công ty cổ phần Vincom đã cải tạo xong hai hồ. Nước hồ cũ được hút hết để tiến hành nạo vét bùn, tạo độ sâu từ 4,2 - 4,5m và xây dựng hệ thống điều hòa thoát nước. Nguồn nước mới sau một thời gian xử lý giờ khá trong xanh. Bờ hồ được kè đá, có đường đi dạo, hệ thống đèn chiếu sáng quanh hồ. Nơi đây giờ trở thành khu công viên với cây xanh, hồ nước đồng bộ, là chỗ vui chơi, thể dục thể thao cho dân cư trên địa bàn phường Thạch Bàn.

Bà Đào Thị Quyên, nhà số 3, ngõ 10/1, tổ 3 phường Thạch Bàn phấn khởi: “Hồ Thạch Bàn 1 và 2 trước kia cho người dân thuê thả cá. Cứ hôm nào có gió, những nhà sống quanh hồ phải đóng cửa bởi mùi tanh nồng của cá bốc lên rất khó chịu. Từ ngày hồ được nạo vét, không khí trong lành hẳn. Mỗi buổi sáng tối, người dân đi dạo quanh hồ đông vui lắm. Người lớn, trẻ con, người già đủ cả. Người dân ở cách 1-2km cũng đến đây vui chơi”. Theo anh Nguyễn Văn Tưởng, công nhân Công ty Vệ sinh môi trường Hà Nội, hằng ngày có khoảng 12 người làm nhiệm vụ quét dọn quanh khu vực 2 hồ, vớt rác dưới lòng hồ; chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh trong khuôn viên hồ. Ngoài ra, còn có 10 nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự khu vực hồ trong suốt 24/24h.

Hồ Vục (quận Long Biên) là hồ đầu tiên tiến hành cải tạo theo hướng xã hội hóa trên địa bàn Hà Nội. Hồ Vục do Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư, với kinh phí cải tạo khoảng hơn 26 tỉ đồng. Được khởi công từ ngày 13/3, đến nay, Công ty đã tiến hành xong việc nạo hút bùn và kè đá xung quanh bờ hồ. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam, cho biết, hiện tại, công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Dự kiến, hồ Vục sẽ hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hồ Phương Liệt II, quận Thanh Xuân do Tổng Công ty Thoát nước Hà Nội và Tổng công ty Xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư với kinh phí cải tạo hơn 41 tỉ đồng, được khởi công từ ngày 24/3/2010. Đến nay, các hạng mục công trình cơ bản đã hoàn thành. Bùn dưới lòng hồ đã được nạo vét; kè đá và hệ thống điều hòa thoát nước đã hoàn thiện, nước hồ đã được xử lý, đường dạo quanh hồ cũng đã được xây dựng chỉ còn việc tạo dựng cảnh quan khu vực hồ. Theo chủ đầu tư, hồ Phương Liệt 2 cũng sẽ kịp khánh thành trước ngày đại lễ.

Góp phần chống ngập úng cho Thủ đô

Giai đoạn 1 của Đề án “Cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội” sắp kết thúc. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ động nghiên cứu, đề xuất kế hoạch triển khai việc cải tạo hồ trong giai đoạn tiếp theo. Thành phố cũng yêu cầu Công ty TNHH thoát nước Hà Nội khẩn trương hoàn thiện thiết kế cơ sở, kịp thời cung cấp hồ sơ cho các chủ đầu tư có thể tiến hành công tác kè hồ sau khi hoàn thành công tác nạo vét.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục nhấn mạnh: Việc cải tạo các hồ trong nội thành Hà Nội ngoài đảm bảo mỹ quan, còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tiêu, thoát nước của thành phố, đặc biệt trong mùa mưa bão. Các hồ trước khi cải tạo, dung tích điều hòa nhỏ do lòng hồ bị bồi lắng, hồ bị thu hẹp do bị lấn chiếm. Hệ thống thoát nước quanh hồ không có. Sau khi cải tạo, các hồ được nạo vét làm tăng dung tích lòng hồ, góp phần chống úng ngập cho Thủ đô.

Việc huy động các doanh nghiệp tham gia cải tạo hồ là một thành công của UBND TP. Hà Nội nhưng việc giữ gìn, duy trì vệ sinh cho hồ như thế nào cũng là vấn đề cần quan tâm. Ông Lê Văn Dục cho biết: Thành phố đã yêu cầu chính quyền địa phương, nơi có hồ được cải tạo, phải tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan của hồ và trực tiếp quản lý hồ; UBND các quận có trách nhiệm tổ chức thu dọn phế thải; Công ty thoát nước Hà Nội thực hiện việc quản lý mực nước theo quy định, đảm bảo yêu cầu thoát nước. UBND TP. Hà Nội cũng đã giao cho Sở Xây dựng và các ban, ngành có liên quan nghiên cứu quy chế quản lý các hồ sau cải tạo để trình thành phố ban hành trong thời gian tới.                    

Hồ không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, cảnh quan mà còn là đặc điểm độc đáo của Thủ đô 1.000 năm tuổi. Bởi vậy, việc lấy lại màu xanh cho hồ thực sự là món quà có ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.

Nguồn: VOV News