Suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái đảo Lý Sơn

Cập nhật: 26/08/2010
Hai đợt khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý biển và Hải đảo mới đây cho thấy, hệ sinh thái biển ở đảo Lý Sơn đang bị suy giảm nghiêm trọng. Đây cũng là nhận định của các nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo “Điều tra đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái, xây dựng luận cứ khoa học đề xuất dự án Khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn” do Sở Khoa học- Công nghệ Quảng Ngãi tổ chức đầu tháng 8 vừa qua.

Tại vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), rạn san hô và cỏ biển là hai kiểu hệ sinh thái đặc trưng với rất nhiều loại hải sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng. Nơi đây cũng đã phát hiện được 685 loài động, thực vật với 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển.
Tuy nhiên, hệ sinh thái ở đảo Lý Sơn đang dần bị suy giảm, mà nguyên nhân chính theo các nhà khoa học là do khai thác kiểu hủy diệt ở đây.
Theo
Báo Quảng Ngãi 19/08, cách đây chừng 5-7 năm, Lý Sơn nổi tiếng cả nước về tình trạng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá, tàn phá hệ sinh thái biển, phá hủy các rạn san hô, bãi cỏ biển.
Thêm vào đó, việc khai thác rong mơ trong những năm gần đây khiến nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt, bởi các bãi rong mơ là nơi cư ngụ, sinh sản và ương nuôi giống của chúng.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rạn san hô, rong và cỏ biển ở đảo Lý Sơn là tình trạng người dân khai thác cát để trồng tỏi, dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển.
Khắc phục tình trạng này, trong Quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/04/2010 đã đề cập tới việc xây dựng Khu bảo tồn biển đảo Lý Sơn, nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thủy sinh kết hợp với phát triển du lịch.
Nguồn: ThienNhien.Net