Rừng đặc dụng bị tàn phá ở Đắk Nông

Cập nhật: 26/08/2010
Rừng đặc dụng Đray Sáp (một bộ phận của Di tích Lịch sử danh thắng quốc gia Đray Sáp) thuộc địa phận xã Đắk Sô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang bị tàn phá nặng nề. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm khiến cảnh quan của Di tích bị xuống cấp trầm trọng, khách tham quan dần vắng bóng.
Dòng thác Đray Sáp hùng vĩ được hơn 1.400ha rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh. Di tích Lịch sử danh thắng quốc gia Đray Sáp một thời là thắng cảnh của Tây Nguyên, thu hút khách du lịch vào mỗi dịp hè, Lễ, Tết. Hiện nay, di tích bị xuống cấp nên khách tham quan cũng ít dần. Anh Nguyễn Thanh Tùng, hướng dẫn viên Trung tâm Du lịch thác Đray Sáp thừa nhận: “Một số khách sau khi tham quan nhận xét, khu rừng này đã mất đi vẻ đẹp hoang sơ thuở trước.”

Do chỉ chạy theo kinh doanh

Sau khi tỉnh Đắk Nông được thành lập (năm 2004), khu Di tích Lịch sử danh thắng quốc gia Đray Sáp được bàn giao cho Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông quản lý. Mục tiêu là bảo tồn và phát triển khu du lịch sinh thái văn hóa mang tầm cỡ quốc gia này.

Tuy nhiên, sau gần 7 năm Công ty quản lý, thắng cảnh xuống cấp trầm trọng. Từ hơn 1.400ha rừng nguyên sinh (chủ yếu là rừng giàu và trung bình) hiện chỉ còn gần 1.000ha rừng nghèo và những đám cây bụi. Nhiều diện tích rừng bị người dân xâm canh, chuyển thành nương rẫy. Dòng thác Đray Sáp dần trở nên trơ trọi khi “chiếc áo màu xanh” ngày một mất đi.

Ông Đỗ Ngọc Trai, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết: “Ban Quản lý khu du lịch thác Đray Sáp chủ yếu kinh doanh du lịch, còn việc quản lý, bảo vệ rừng hầu như bỏ ngỏ. Hơn 1.000ha rừng mà chỉ có 1, 2 người bảo vệ thì không thể bảo vệ nổi. Muốn giữ rừng cần phải phân cấp rõ ràng, giao cho kiểm lâm hay một đơn vị chức năng nào đó quản lý”.

Khu rừng này hiện là điểm nóng của nạn phá rừng làm nương rẫy; nạn khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản. Đồng thời, đây cũng là điểm nóng của việc lâm tặc hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng đơn vị chủ quản rừng và các đơn vị chức năng địa phương không có sự phối hợp cần thiết để đưa ra các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Anh Đặng Văn Đức, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng chia sẻ: “Lực lượng bảo vệ rừng ít, trang bị hỗ trợ không có. Nhiều lúc chúng tôi bắt được lâm tặc hoặc có vấn đề gì xảy ra, lực lượng kiểm lâm, công an xã hầu như không có sự hỗ trợ. Trước đây thường xuyên xảy ra tình trạng lâm tặc vào tận cơ quan đánh người nhưng chưa có vụ nào được giải quyết thỏa đáng nên anh em chúng tôi đi làm nhiệm vụ cũng thấy lo sợ.”

Trách nhiệm của tỉnh?

Trước tình trạng rừng bị tàn phá, tháng 2/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có Công văn số 468/UBND-NN về việc thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng Đray Sáp, tách biệt với Ban quản lý khu du lịch thác Đray Sáp. Tuy nhiên, đến tháng 6/2010, UBND tỉnh Đắk Nông lại ban hành Quyết định số 779/QĐ-UBND, thu hồi hơn 52ha thuộc khu du lịch thác Đray Sáp, giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý. Mặc dù, phần diện tích này đã được UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho Công ty Thương mại - Du lịch Đắk Nông trong 50 năm (từ 2007 - 2057) để phát triển du lịch.

Nếu quyết định này của UBND tỉnh Đắk Nông được thực thi, toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Du lịch Đray Sáp (Công ty Thương mại - Du lịch Đắk Nông) sẽ mất việc. Ông Lê Mến, Giám đốc Trung tâm Du lịch thác Đray Sáp lo lắng: “Cán bộ công nhân viên ở Trung tâm đã gắn bó với khu du lịch mấy chục năm rồi, giờ không có việc làm cho họ, phải giải quyết ra sao? Hơn nữa, đây là di tích lịch sử văn hóa, giao cho kiểm lâm họ có quản lý được không?”.

Giao rừng cho đơn vị không chuyên trách về quản lý, bảo vệ rừng đã khiến rừng đặc dụng Đray Sáp bị tàn phá tan hoang. Việc thu hồi và bàn giao lại khu rừng này cho đơn vị chuyên trách là Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông là hợp lý. Tuy nhiên, việc giao khu du lịch thác Đray Sáp cho đơn vị nào quản lý, kinh doanh, các ngành, các cấp Đắk Nông cần cân nhắc kỹ để có thể phát triển du lịch một cách bền vững./.

Nguồn: Đài tiếng nói Việt Nam