Chuyện một nữ doanh nhân với bài toán bảo vệ môi trường

Cập nhật: 31/08/2010
Doanh nhân xã hội còn là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Thế nhưng với những việc mà chị Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã và đang làm, người ta có thể tìm được lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Trước khi làm việc ở MCD, nơi thực hiện các dự án về bảo tồn sinh vật biển tại Việt Nam, chị Thu đã có kinh nghiệm làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến môi trường như cải cách thương mại cá; bảo tồn rặng san hô sống không mang tính huỷ diệt; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn biển qua các hoạt động làm sạch bờ biển quốc tế và khởi xướng khái niệm khu bảo tồn biển do cộng đồng quản lý tại Việt Nam... Vì thế, khi làm mô hình quản lý thủy sản bền vững tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Giao Thủy - Nam Định) với sự hỗ trợ của Quỹ các dự án nhỏ Cộng đồng châu âu, MCD đã triển khai mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng như một sinh kế bổ sung tại khu vực này.

Chị Thu cho biết: “Trong những chuyến khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy người dân phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lợi biển, nhưng khai thác một cách vô tội vạ khiến tài nguyên biển bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, dân số không ngừng tăng khiến các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường ngày càng nhiều. Sự tác động ấy không diễn ra trước mắt mà là lâu dài nên người dân không ý thức được vấn đề. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn đề tài bảo tồn hệ sinh thái gắn với đời sống người dân”.

Cùng với sự giúp sức của 2 đồng nghiệp, chị Thu đã triển khai xây dựng mô hình cộng đồng ven biển tự chủ làm du lịch sinh thái (ECOLIFE) tại Nam Định và Thái Bình. Từ năm 2006 đến 2009, dự án đã thành công trong việc xây dựng nền tảng cho du lịch sinh thái cộng đồng, theo đó đã đào tạo cho gần 100 người về ý thức bảo vệ môi trường, kỹ năng điều hành và quản lý các tour du lịch sinh thái tại nơi mình sinh sống, bước đầu đã thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu môi trường và văn hóa, sinh viên các trường đại học. Riêng năm 2008, dự án đã thu hút được gần 400 khách du lịch tới tham quan, trong đó 50% là khách nước ngoài.

Chị Thu cho biết, khó khăn nhất khi triển khai dự án là nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư. “Do bà con bận việc đồng áng nên chúng tôi không thể mời bà con đến để tập huấn lý thuyết mà phải thông qua chính quyền địa phương các cấp, thông qua tham quan, hội thảo để dẫn dắt người dân từng bước một. Mỗi lần tổ chức dạy nấu ăn, dọn phòng, tập huấn kỹ năng hướng dẫn viên chúng tôi phải làm tỉ mỉ từng bước để bà con dễ tiếp thu”, chị Thu cho biết.

Hiện dự án đang bước sang giai đoạn hoàn thiện và vận hành dưới hình thức doanh nghiệp. Cư dân ven biển và các nhóm liên quan đã bắt đầu thu được lợi nhuận, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các vùng ven biển khác. “Doanh nhân xã hội chỉ là người dẫn dắt, chuyển giao chủ quyền cho đối tác, phát huy tính chủ động của người dân, do vậy khi dự án hoàn tất, chúng tôi phải rút lui để người dân tự triển khai và phát triển mô hình. Như vậy, dự án mới được gọi là thành công”, chị Thu chia sẻ.

Để chuẩn bị cho bước tiếp theo, chị Thu và các cán bộ của dự án đã vận động UBND các xã thành lập Ban du lịch sinh thái cộng đồng để địa phương tự quản, tự hạch toán thu chi, đồng thời cũng tự giám sát. Dự kiến sau 2 năm, sẽ có khoảng 1.500 người dân địa phương được tham gia và hưởng lợi từ mô hình này. Đây cũng chính là mục tiêu mà ECOLIFE hướng tới, nghĩa là người dân có thể ly nông nhưng không ly hương.

Nguyên Hoa

 

Nguồn: : Báo Kinh tế Nông thôn