Một nghiên cứu cho thấy đa số động vật và thực vật trong các rừng nhiệt đới hiện nay sẽ không tồn tại sau 90 năm nữa bởi tác động của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.
Ảnh minh họa: tripod.com.
Rừng nhiệt đới hiện là môi trường sống của hơn một nửa các loài động vật và thực vật trên trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán rằng, tác động kết hợp của biến đổi khí hậu và phá rừng có thể buộc chúng phải thích ứng, di chuyển đến nơi khác hoặc chết. Đến năm 2100, biến đổi khí hậu và hoạt động phá rừng có thể thay đổi 2/3 số rừng nhiệt đới tại khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ, 70% rừng nhiệt đới tại châu Phi. Riêng tại vùng châu thổ sông Amazon mức độ thay đổi của hệ sinh thái sẽ lên tới 80%.
Greg Asner, một chuyên gia thuộc khoa Sinh thái toàn cầu, Viện Carnegie, bang California, Mỹ, cùng các đồng nghiệp tìm hiểu tình trạng của những khu rừng nhiệt đới trên thế giới bằng cách phân tích dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh và 16 dự án nghiên cứu về biến đổi khí hậu trên khắp thế giới. Họ chạy thử những mô hình giả lập về sự thay đổi của các loài động vật, thực vật về mặt địa lý từ nay tới năm 2100.
Kết quả cho thấy chỉ có từ 18 tới 45% tổng số động vật và thực vật trong các rừng nhiệt đới còn tồn tại tới năm 2100.
Asner khẳng định đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng các hệ sinh thái trong rừng nhiệt đới sẽ trải qua những biến đổi sâu sắc bởi hiệu ứng nhà kính.
"Với những vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu, các nhà chức trách địa phương nên tập trung vào việc giảm chặt phá rừng, qua đó giúp các loài sinh vật kịp thích nghi. Còn những nơi chịu ít ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu có thể tập trung phục hồi rừng", ông nói.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Conservation Letters.
Thu Thảo