Rừng – Công cụ hữu ích bảo vệ môi trường

Cập nhật: 08/09/2010
Rừng đóng góp cho sự thịnh vượng, phát triển kinh tế của Việt Nam -TS Hans-Peter Muessig, Phó Chủ tịch Thứ nhất Ban Châu Á, KfW, phát biểu trong hội nghị vùng về phát triển rừng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày 7/9 ở Hà Nội.

Sự gia tăng dân số cùng với các lợi ích kinh tế trong nuôi trồng thủy sản đã tạo áp lực ngày một tăng lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đất liền và các vùng ven biển (rừng ngập mặn) cũng như hệ thống đê điều.

“Rừng hiện đang bị suy thoái, khó có thể chấp nhận được. Hợp tác Phát triển Đức – Việt xây dựng ngành lâm nghiệp vì lợi ích của Việt Nam. Rừng được phục hồi sẽ rất tuyệt vời” - TS Hans-Peter Muessig chi sẻ.

Bà Gudrun Kopp, Thứ trưởng Bộ Hợp tác Kinh tế & Phát triển Đức, cho rằng rừng không những đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn là công cụ hữu ích nhất bảo vệ môi trường chúng ta.

Mối quan hệ Đức – Việt trong ngành lâm nghiệp giải quyết được rất nhiều vấn đề, như hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo nhân lực đã đạt được kết quả rất tích cực.

Vẫn theo bà Kopp, rừng tạo ra sinh kế, bảo vệ môi trường, cung cấp cho chúng ta các cây thuốc dược liệu. Rừng không những bảo vệ môi trường, khí hậu mà còn tạo nguồn thu cho mọi người. Không chỉ có vậy, rừng còn tạo ra việc làm cho dân.

“Ngành lâm nghiệp đã tạo ra 4 triệu việc làm cho dân ở Cộng hòa Liên bang Đức”, bà Kopp đưa ra ví dụ và cho rằng lợi ích kinh tế trong quản lý lâm nghiệp cần được hài hòa với hệ sinh thái của rừng.

TS Juergen Hess, Hợp tác Phát triển Đức, nói rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thông qua các biện pháp quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái có thể chống đỡ và thích nghi tốt hơn với những tác động của biến đổi khí hậu.

Đức và Việt Nam đã đi tiên phong trong một số dự án hỗ trợ phục hồi và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
 

Sử dụng rừng bền vững chính là bảo tồn rừng

 

“Rừng dóng vai trò quan trọng đối với việc sống còn của Việt Nam”, TS Salleh Mohd. Nor từ Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Malaysia nói, và cho rằng nông lâm ở Việt Nam nói chung và cây xanh ở Hà Nội nói riêng cần được quản lý.

Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho rằng rừng chịu tác động của con người, nếu rừng được bảo vệ tốt, nó sẽ phát triển tốt.

Theo ông Salleh, hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng và rừng chỉ là một phần của hệ sinh thái, sử dụng rừng bền vững chính là bảo tồn rừng.

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp báo bên lề hội nghị sáng nay, ông Hứa Đức Nhị nói cách đây 20 năm, Đức đã có một số chương trình, dự án giúp dân, chính quyền ở một số nơi của Việt Nam phục hồi rừng thành công. Đây là bài học rất quý. 

Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 27% trong những năm 1990 lên 39,1% hiện nay. Trong những năm qua, Đức đã đầu tư 100 triệu EURO vào các dự án rừng, góp phần đáng kế vào việc quản lý ngành lâm nghiệp Việt Nam, giúp cho lâm nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Việt Nam và Đức  đã xác định ba lĩnh vực hợp tác ưu tiên gắn liền với mục tiêu tổng thể và giảm nghèo gồm quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; Biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh thái ven biển; Hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và phát triển đô thị bền vững; cải cách thuế môi trường.

Để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường, Việt Nam quyết định thực hiện cải cách thuế môi trường vào năm 2010. Với sự giúp đỡ tích cực từ phía Chính phủ Đức, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở Châu Á thông qua một bộ luận không chỉ đánh thuế vào các loại năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu tinh chế và than đá  mà  còn vào  các chất độc hại với môi trường như hóa chất và thuốc trừ sâu.

Bằng cách khuyến khích thay đổi hành vi tiêu dùng cũng như đẩy mạnh sản xuất năng lượng hiệu quả, luật thuế môi trường nay hy vọng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm 7.5% lượng khí thải cacbonic hàng năm. Đến năm 2012, tổng lượng khí thải cacbonic giảm ước tính 9.3 triệu tấn.

Hợp tác Phát triển Đức - Việt tiếp tục cam kết lồng ghép vấn đề giảm thiểu và thích ứng  với biến đổi khí hậu trong tất cả các chương trình hợp tác hiện tại và tương lai nhằm duy trì bền vững hiệu quả chương trình.

Hợp tác Phát triển Đức – Việt đã khởi xướng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực phía nam đồng bằng sông Cửu Long. Với mật độ dân cư đông đúc tại các khu vực đất trũng, đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng và những diễn biến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên như mưa bão, lũ lụt, xói lở đất, xâm nhập mặn. Chương trình biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái ven biển đang triển khai các biện pháp thích nghi cho khu vực ven biển trong bối cảnh rộng hơn là quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng ven biển.

Nguồn: Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam